Người đứng sau thành công hàng thập kỷ của chuỗi Quán Ăn Ngon và những chi tiết chưa bao giờ tiết lộ trên mặt báo
Bài viết này ghi lại cuộc gặp gỡ với bà chủ Quán Ăn Ngon nức tiếng Hà Thành năm 2018 nhưng đến ba năm sau tôi mới có thể hoàn thiện nó do rất nhiều cân nhắc cũng như cảm thấy mình chưa thật sự đủ vốn từ, vốn sống để viết về mội con người tầm cỡ như chị. Tôi vẫn nhớ như in ngày mà tôi đến chụp hình ẩm thực cho chị, khi đó Ngon Garden vẫn chưa khởi công xong. Giữa bộn bề bê tông, gạch ngói ngổn ngang, cùng cái hừng hực của Hà Nội mùa oi đỉnh điểm, tôi đã vật lộn chụp ảnh mà không có quạt cũng chẳng điều hoà. Tự nhủ mình cũng như động viên team cố gắng vượt qua. Rồi cũng xong xuôi project khó khăn, đáng nhớ mà cái lãi nhất tôi thấy mình thật may mắn vì được trò chuyện với chị, được nghe những điều mà không phải ai cũng nghe thấy. Để rồi hôm nay tôi có cơ hội chia sẻ nó cho những người khác nữa.
Năm 2010 khi tôi vẫn theo học trường Sư Phạm Hà Nội, được người quen rủ đi ăn ở Quán Ăn Ngon, đó là một trong những trải nghiệm rất đáng quý thời sinh viên nghèo khó. Quán Ăn Ngon (QAN) đã được thành lập từ 5 năm trước đó nhưng lúc bây giờ chưa có mô hình nhà hàng đồ ăn Việt nào lớn như vậy và được đầu tư bài bản với chất lượng đồ ăn đồng đều một cách đáng kinh ngạc. Tôi tự hỏi không biết người chủ là ai, họ đã làm thế nào để khiến hàng ngàn thực khách tò mò khi đến và hạnh phúc khi ra về đến thế. Để rồi tám năm sau khi tôi đã trở thành một food stylist, nhận được lời mời tư vấn hình ảnh cho concept mới của QAN tôi mới có cơ hội gặp chị. Người đứng đằng sau thành công kéo dài hơn môt thập kỉ của chuỗi QAN và cũng là linh hồn của nhà hàng này. Tại sao tôi lại nghĩ rằng chị chính là QAN và QAN chính là chị thì sau đây là câu chuyện của vị nữ doanh nhân này với nhiều chi tiết chưa bao giờ được kể trên mặt báo.
Khoảng giữa năm 2018 tôi có một chuyến bay ra Hà Nội để present về concept chụp hình chủ đạo cho nhà hàng mới của công ty Phúc Hưng Thịnh (công ty chủ quản và sở hữu QAN). Tôi không thể nào quên được người phụ nữ với một nguồn năng lượng khổng lồ mà ngay cả cánh đàn ông trên thương trường chưa chắc đã bì kịp. Suốt ba tiếng đồng hồ trình bày tôi uống sạch bốn chai nước của cả những người xung quanh mà đuối sức vì không theo kịp chị. Tất cả mọi người trong cuộc họp đều im lặng lắng nghe chúng tôi trao đổi và cùng thống nhất một điều chung là: “Cần phải nâng cấp hình ảnh đồ ăn Việt hơn và kể những câu chuyện về văn hoá thông qua ẩm thực để bạn bè thế giới thấy Việt Nam chúng ta tuyệt vời thế nào”. Đó là bầu không khí vừa phấn kích vừa căng thẳng vì tôi biết rằng chuyến đi Hà Nội lần này không dễ dàng. Khách hàng là một vị nữ giám đốc cầu toàn nhất, quyết liệt nhất và đây cũng là quãng thời gian công tác dài nhất, khó khăn nhất mà tôi từng có.
1. Xuất thân của một nữ doanh nhân đặc biệt
Doanh nhân Phạm Thị Bích Hạnh xuất thân từ một gia đình Hà Nội gốc có truyền thống kinh doanh. Ông bà của chị đều là người có công với đất nước thời kì bao cấp. Mẹ tiếp quản sự nghiệp của ông bà và chăm sóc chị với một môi trường giáo dục toàn diện. Bà ngoại và mẹ chị nấu ăn rất giỏi. Đặc biệt là bà ngoại với tài nấu phở của bà. Cho đến khi bà bán phở là lúc bà nổi tiếng cả nước.
Thời đó ông bà chị là tư sản giàu có nức tiếng và cũng đóng góp rất nhiều tiền cho nhà nước. Sau vài lần phá sản do ảnh hưởng của chính trị, ông bà chị lại một lần nữa bắt đầu với dự án nuôi bò sữa. Những năm 69 họ nhập một đàn bò sữa Hà Lan từ nước thứ ba, chính là giống bò đầu tiên của nông trường Ba Vì Hà Nội; họ nuôi và cung cấp sữa cho toàn thành phố lúc đó. Giai đoạn này, nhà nước chủ trương khôi phục và phát triển kinh tế sau chiến tranh, ông bà chị bị buộc phải cống hiến lại đàn bò sữa hoặc nếu không sẽ phải ra khỏi thành phố. Để đổi lại ông bà chị được cấp một giấy phép kinh doanh. Giấy phép này như một sự độc quyền bởi thời bao cấp mọi tư liệu sản xuất cũng như lương thực đều do nhà nước kiểm soát. Chỉ cần giấy phép kinh doanh trong tay, ai cũng có thể sớm làm giàu. Gia đình chị lại ở ngay gần chợ Long Biên, chính là nút giao thông quan trọng với thương lái. Chớp lấy cơ hội thiên thời – địa lợi, gia đình chị lấy lại được cơ nghiệp ban đầu.
2. Sự ảnh hưởng của người bà cùng sự nuôi dạy mang đậm tính truyền thống từ gia đình
Là con gái, cháu gái duy nhất của gia đình, chị được thừa hưởng mọi sự bao bọc cũng như tình thương của mẹ và ông bà. Chị kể ngày nào chị cũng được đi chợ Đồng Xuân với bà, tối đến ông ngoại lại đưa đi ăn đặc sản trên phố Tạ Hiện. Bà là người dạy nấu ăn cũng như dạy chị cách chọn hoa, cách làm mâm cỗ bàn mỗi ngày rằm hay lễ Tết… Tất cả những điều đó được ăn sâu trong tâm trí, đến khi lập gia đình chị cũng truyền lại hết những điều được học cho những đứa con.
3. Người thầy là Triệu phú Đô La đầu tiên của Việt Nam đã ảnh hưởng tới con đường sự nghiệp của doanh nhân Phạm Thị Bích Hạnh
Năm 1994 chị tốt nghiệp Đại học Ngoại ngữ rồi về làm việc cho chú Đỗ Công Sơn - Triệu phú đô la đầu tiên ở Việt Nam từ những tám mươi của thế kỷ trước. Dù mới ra trường, chị đã được làm việc ở các dự án mang tính vĩ mô như thuê mua máy bay, đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng cấp quốc gia, sản xuất công nghiệp nặng, xi măng, sắt thép… Chị là điển hình của một trong những người góp phần đặt nền móng cho quy hoạch, đầu tư và phát triển cơ sở hạ tầng ở Việt Nam trong thời kì đổi mới.
Chị nhắc đến chú Công Sơn với một giọng đầy kính trọng: “Anh Sơn là người sếp đầu tiên và cũng là người thầy chị gắn bó lâu nhất. Với chị anh còn là gia đình mình”. Tìm hiểu thêm về chú Đỗ Công Sơn qua những bài báo của nhà báo Nguyễn Quang Thiều, tôi mới biết chú là người đầu tiên đưa máy bay Boeing về Việt Nam trong thời kì Mỹ cấm vận nước ta. Một nhân vật đặc biệt, có xuất thân nghèo khó nhưng với ý chí vươn lên không ngừng đã tạo ra một sự nghiệp kinh doanh đi vào lịch sử và có tầm ảnh hưởng quốc tế. Tôi rất biết ơn nhà báo Nguyễn Quang Thiều đã ghi lại những dòng hiếm hoi mô tả vị đại gia này để thế hệ sau còn tiếp tục ngưỡng mộ và noi gương chú.
Quay trở lại với các dự án mà chị Hạnh đã từng làm, chị là trợ lý thân cận, cánh tay phải của chú Công Sơn. Cũng là người trực tiếp soạn thảo những hợp đồng, điều khoản luật để đưa những chiếc máy bay Boeing đầu tiên về Việt Nam. Có thể nói chị là một nhân tố thúc đẩy cũng như góp phần rất lớn trong việc đánh dấu những bước đi đầu tiên của hãng hàng không nước nhà.
4. Sự nghiệp phát triển vượt bậc của một cựu sinh viên Đại học Ngoại Ngữ
Ngoài những thành công với những dự án thu mua máy bay, chị còn tham gia mảng tư vấn và đầu tư vốn từ nước ngoài. Chị làm việc với các đối tác là chủ tịch tập đoàn cũng như chuyên gia đến từ các ngân hàng thế giới như World Bank, ADB, IDA…Các dự án tiêu biểu của chị như nhà máy điện Phú Mỹ, nhà máy điện Phả Lại, nâng cấp đường dây mạng lưới điện quốc gia.
Chị tâm sự: “Hồi đó còn trẻ, đồng nghiệp chỉ có vài bạn mà đi gặp đối tác toàn người lớn tuổi, học rộng nên chị rất run không nói được gì. Tiếng Anh là chuyên môn chị học trong trường nhưng nào đã thấy Tây bao giờ? Cho đến khi đi làm, đối tác người Anh, họ nói tiếng Anh bản xứ quá, mình chẳng nghe được gì. Nhưng chị kệ, cứ liều đã”.
Rồi sau đó chị tự biết mình phải làm gì. Chị lao vào đọc sách, mất cả tháng để ngồi học thuộc tên các công ty. Cơ hội đến, chị chị phát triển rất nhanh. Chị học từ sếp của mình và từ chính những đối tác nước ngoài. Trở thành chuyên gia, trực tiếp điều hành các dự án rồi viết báo cáo đều được đọc bởi các bộ trưởng lẫn chủ tịch nước. Chỉ trong 6 tháng, lương của chị khởi điểm 150$ đã tăng lên 2000$. Con số này là một kì tích cách đây 25 năm. Chị nói: “Không biết do may mắn hay sếp mình giỏi mà làm đâu thắng đấy”. Những hợp đồng chị làm từ vài trăm triệu đô.
Chũng chính chị là người đầu tiên nghiên cứu sổ số online (giống như Vietlott bây giờ) khi chưa ai nghĩ đến việc Việt Nam sẽ có loại hình này. Nhờ những kinh nghiệm nghiên cứu luật và tư vấn đầu tư trước đây chị vận dụng nó để trực tiếp định hình, xây dựng các quy chế để vận hành hình thức sổ số này với bộ tài chính. Nhưng do quá trình bỏ thầu, công ty chị đã trượt mất dự án này. Một trong những bàn thua hiếm hoi của chị ngày đó.
5. Bước ngoặt trong sự nghiệp xuất phát từ biến cố lớn xảy ra với sếp của chị
Năm 1997, chú Công Sơn mắc bệnh hiểm nghèo. Khối ung thư của chú đã bị di căn sang gan. Chị vừa điều hành công ty vừa giúp chú chữa bệnh. Nhờ biết ngoại ngữ, chị tiếp cận và nghiên cứu các phương pháp mới của nước ngoài để giúp sếp thử nghiệm. Lúc đó chị giống như người trong nhà. Sếp của chị chống chọi với ung thư thêm 7 năm nữa thì mất. Giữa biến cố này chị phải chọn một là tiếp nối con đường sự nghiệp của sếp, hai là ra đi và làm gì đó khác cho riêng mình. Nhiều hãng nước ngoài mời chị về làm tư vấn nhưng chị nghĩ nó không còn là con đường chị chọn nữa, trong tâm chị luôn có ao ước mở nhà hàng. Chị quyết định nghỉ việc và theo đuổi ước mơ. Chị nói nó có thể là sự thôi thúc mang tính di truyền.
Từ những món ăn chị được học của bà ngoại, cộng thêm sự tìm tòi và am hiểu nhiều ẩm thực vùng miền, chị lên kế hoạch cho một nhà hàng với quy mô chưa từng có tại Hà Nội. Nhưng làm sao để khiến thực khách ấn tượng với một nhà hàng ngay cả khi họ chưa được nếm thử đồ ăn? Chị nhắm đến một địa điểm rộng lớn và không kém phần bí ẩn: Biệt thự của bác sỹ Phùng Ngọc Tuệ - Bác sỹ nổi tiếng nhất Hà Thành bấy giờ. Ngôi biệt thự này được để lại cho con cháu sau khi ông mất, nó luôn kín cổng cao tường, bề thế và cũng chưa ai được tham quan sau nhiều năm đóng cửa. Hãng điện thoại Siemens là bên đầu tiên thuê được căn biệt thự để làm văn phòng đại diện ở Việt Nam. Sau đó là tập đoàn Sovico mở trụ sở ở đây (Sovico là tập đoàn sở hữu hãng hàng không Vietjet Air).
Tất nhiên càng đẹp, càng hiếm thì càng khó có được. Trong quá trình đàm phán, họ điều tra chị bốn tháng xem chị là ai, gia đình chị làm gì, tiềm lực kinh tế đến đâu rồi mới đồng ý bàn đến hợp đồng. Họ yêu cầu trả trước ba năm tiền nhà cùng một loạt các kì vọng: phải thật sang, phải bán đồ ăn fine dining tiêu chuẩn như khách sạn Metropole. Nói đến đây chị nghĩ chắc chẳng có cơ hội nào vì mô hình của chị là đồ ăn Việt truyền thống, làm sao cho dining hay yên tĩnh như khách sạn năm sao đây? Trong tâm thế của người sắp bị từ chối, chị chẳng mang theo tiền đặt cọc, chị nói thẳng với chủ nhà: “Nhà hàng này chắc chắn sẽ đông như một cái chợ! Nhưng mình sẽ làm cái chợ này thật đẹp, thật có gu. Không có nhà hàng nào mà tổng hợp nhiều món ăn như thế. Khách đến không chỉ được thử món Hà Nội còn được thưởng thức món miền Trung, miền Nam”. Thế rồi chủ nhà từ chối những người đặt cọc thuê nhà khác để đồng ý với chị cho một kế hoạch ngược hoàn toàn với kì vọng. Chị nói chắc bởi họ thấy ở mình sự chân thành.
6. Năm 2005 Quán Ăn Ngon ra đời đã mở đầu chương thứ hai của sự nghiệp doanh nhân Bích Hạnh
Và thế là năm 2005 Quán Ăn Ngon ra đời. Với vị trí đắc địa cùng quy mô lớn đã tạo nên cơn sốt chưa từng có trong thị trường F&B thời bấy giờ. Để rồi hơn một thập kỷ, nơi đây chưa bao giờ thôi đông khách. Ngày đầu tiên khai trương, nhà hàng đã vỡ trận. Mọi người dân thủ đô tò mò về một biệt thự hoành tráng, nơi trang hoàng đẹp đẽ với cả trăm món ăn ngon được đầu tư bài bản nhất. Lúc ấy vận hành chưa quen, mọi thứ đến quá nhanh làm chị choáng ngợp vì không ngờ sức hút của nhà hàng lớn đến thế. Chị bỏ hết dép guốc để chạy đua với nhân viên, phục vụ khách nhanh nhất có thể. Khu ẩm thực được chia làm 3 vùng miền, bày biện và phục vụ những món ăn đô thị cũng như dân dã. Nổi tiếng là bún riêu cua, bánh đúc, chè hoa cau hay bánh xèo rồi lẩu bông bí…
Có những lúc cao điểm chị tuyển đến 300 nhân viên mà không kịp trở tay. Chị mất rất nhiều khách và tiền chỉ vì quán đông, khách đợi lâu lại bỏ về. Chị tự nhủ đây đúng là duyên của bà ngoại vì mở cái gì ra cũng đều có khách xếp hàng. Bạn chị trêu nửa đùa nửa thật: “Hạnh ơi, đang buôn máy bay với nhà máy nhiệt điện mà bây giờ bán bún miến, trà đá này có trả đủ tiền nhà không?” Chính vì câu nói đó mà chị quyết tâm làm thật tốt với Quán Ăn Ngon.
Không thể một lúc nấu 10 món ngon như nhau nên chị đã phải tích luỹ rất nhiều trải nghiệm để giữ được phong độ cho Quán Ăn Ngon. Trong 5 năm làm ăn thuận lợi như vậy nhưng chị không dám mở thêm một cơ sở thứ hai. Để vận hành một con thuyền khổng lồ với hàng trăm nhân sự cùng làm hài lòng hàng nghìn thực khách hàng ngày không phải chuyện đơn giản. Khi tuyển bếp trưởng chị chọn theo cách họ điều hành bếp còn khẩu vị chị tự mình kiểm nghiệm. Chị nói : “Làm sao để nấu món bắc ra đúng vị Bắc, Nam ra vị Nam còn Trung thì người miền Trung ăn cũng thấy đúng?”. Một người chủ nhà hàng, thuộc nằm lòng hơn 200 món ăn và tự tay tham gia xây dựng menu rồi điều hành nhân viên nhưng vẫn chu toàn với gia đình mình.
7. Ngon Garden tiếp nối thành công của Quán Ăn Ngon trong một phiên bản hiện đại hơn
Sau một thập kỉ thành công với thương hiệu Quán Ăn Ngon, năm 2018 chị đầu tư concept vườn cho một nhà hàng mới với hơi hướng trẻ trung hơn cùng một vị trí độc đáo. Nhà hàng Ngon Garden với quy mô 3000m2 và tầm nhìn bao trọn hồ Tuyền Quang trên con phố Nguyễn Du.
Định hướng về Ngon Garden là một nhà hàng đầy những món ăn Việt Nam ngon nhưng trẻ trung và trendy. Đưa cảm hứng fusion vào món ăn, chị mong muốn nhà hàng này phù hợp xu thế hơn và hướng tới nhiều khách hàng trẻ. Một tổ hợp tương đương 10 nhà hàng từ hải sản, ăn sáng, cơm gia đình đến cafe, tiệc trà chiều cùng lối thiết kế Đông Dương được hoàn thiện sau năm tháng thi công.
Menu nhà hàng Ngon Garden. Hình ảnh Deto Concept, Thiết kế: Thành Đinh
Chị chia sẻ muốn ở giữa thủ đô ngột ngạt có một vườn cây xanh mát mà bất kì ai cũng cảm thấy bình yên khi đặt chân đến. Rất may mắn khi không gian ở đây đủ lớn để chị đầu tư nhiều cho những mảng xanh. Chị bắt đầu khởi nguồn từ vườn. Đấu tranh cùng với cổ đông để có đủ không gian cho vườn. Vì nếu càng làm nhiều cây thì càng mất chỗ cho khách. Nhưng chị nghĩ mình làm cho thật đẹp để mình sướng đã, xong khách hàng cũng sướng vì đâu dễ có một nhà hàng diện tích phủ xanh đến 50% như vậy.
- Có phải chị cho rằng mình càng làm tốt hơn nữa thì đối thủ không theo kịp? Chị hơi bất ngờ và trả lời tôi:
- Chị cũng chưa nghĩ đến điều này bao giờ. Em nhắc chị mới để ý là thì ra xưa nay chị không quan tâm tới đối thủ cạnh tranh. Chị chỉ có một suy nghĩ đơn thuần là quan tâm tới mong muốn của khách hàng trước. Mình đứng ở góc độ tâm lý khách hàng để xem cái gì họ cần, cái gì là độc đáo và tạo 1 thứ gì mới, có value và thu hút”.
- Tại sao nhiều muốn mua franchise Quán Ăn Ngon mà chị vẫn chưa bán cho ai?
- Chị chưa sẵn sàng bán cho ai vì mô hình này rất khó. Hệ thống chưa sẵn sàng, nó cần một quy trình tốt, chặt chẽ. Ngay cả khi có một hệ thống chuẩn thì tính chất loại hình ẩm thực của Ngon nó vẫn handmade. Kể cả khi nấu đúng công thức nhưng vị có có thể biến đổi do tay tuỳ người nấu. Đặc điểm đồ ăn Việt không dễ để làm chuỗi do nguyên liệu đặc biệt. Mọi nguyên liệu vùng miền đều được đặt riêng chuyển trong ngày từ địa phương cho tới nhà hàng Ngon. Vì vậy mô hình này không thể áp dụng ở nước ngoài khi nguồn nguyên liệu khan hiếm cũng thổ nhưỡng khác cũng sẽ cho ra một vị khác.
8. Lời gửi gắm tới thế hệ trẻ
- Nếu quy chuẩn để tạo ra một chuỗi nhà hàng bán đồ ăn Việt handmade lại khó như vậy thì có cách nào giải được bài toán này không vì nếu không hội nhập, không tạo ra sức ảnh hưởng diện rộng thì thật khó để chúng ta có thương hiệu mạnh trên bản đồ ẩm thực thế giới.
- Em nói đúng! Chị thấy người ta giỏi quá. Một cốc trà sữa bán 70-80k nhưng đồ thì làm sẵn, không tươi và cũng không handmade còn cốc chè sương sa hạt lựu của mình làm kì công hết sức mà giá một nửa. Chị mong mỏi thế hệ trẻ có thể làm gì đó với ẩm thực nước nhà để nâng cao giá trị của nó vốn có. Chị sẵn sàng đóng vai trò là người đầu tư (có nghề) trong quá trình ấy nếu có người thật sự tâm huyết với điều này. Chị có thể giúp phát triển hệ thống chuỗi, quản lý, đóng góp tài chính. Nhưng các bạn trước khi đưa cho nhà đầu tư bất kì ý tưởng nào cũng cần thận trọng với nó. Chị biết nhiều bạn có hoài bão và đam mê. Nhưng đam mê đó chưa đủ mà nó phải là sự dấn thân. 90% sẽ thất bại nhưng các bạn đừng nóng vội, hãy tích luỹ đủ vốn kinh nghiệm, vốn sống để giảm thiểu sự rủi ro. Dựa trên bài học của chị, chị chỉ theo dõi 1 người sếp duy nhất trong suốt 10 năm. Nhưng rồi chị sẽ lựa chọn cong đường riêng khi mà đã đủ tích luỹ kinh nghiệm. Nhiều bạn trẻ khi mới đi làm không muốn hạ cái tôi xuống để đóng góp cho một cái chung. Các bạn không biết rằng ngay cả làm chủ cũng phải chịu đựng nữa là làm thuê. Nếu mình làm sếp sẽ có những cái chủ động hơn nhưng có những cái áp lực mà nhân viên không bao giờ nhìn thấy. Chị nghĩ chúng ta không nhất thiết là chủ cơ nghiệp thì mới gọi là chủ, mình còn có thể là chủ công việc, chủ cuộc sống, chủ bản thân con đường mình đi. Như chính chị còn phụ thuộc vào nhiều người khác, chị cũng chịu trách nhiệm cho cuộc sống của nhiều người. Chị cũng sẵn sàng đào tạo các bạn trẻ. Nếu các bạn đủ vững vàng hãy bay đi và tạo ra những giá trị mới như chị đã từng làm. Không gì hạnh phúc hơn nếu thấy nhân viên của mình từ những ngày đầu chập chững rồi họ trưởng thành và làm được những gì họ mơ ước em ạ.
Chắc chị cũng chưa biết rằng trước khi phỏng vấn chị, tôi đã âm thầm hỏi han nhân viên của chị trước. Trong ánh mắt lấp lánh, họ mô tả về sếp của mình với những mỹ từ mà tôi chưa từng thấy ở bất kì nhân viên của nhà hàng nào. Họ nói với tôi rằng chị luôn là người có ảnh hưởng nhất đối với sự nghiệp của họ. Sự mạnh mẽ cũng như niềm tin của chị là một thứ năng lượng mà người khác có thể bị cuốn theo. Rằng nếu trời có sập xuống thì chị Hạnh cũng chống nó lên được. Làm việc ở đây áp lực nhưng chỉ cần vượt qua hai năm thì dù họ chuyển việc tới đâu cũng không cần thử việc nữa. Sẽ luôn có những con người khi sinh ra đã sở hữu những năng lực đặc biệt nhưng còn những người không đặc biệt lắm thì sao? Chúng ta vẫn có thể mài dũa bản thân và trở nên sáng hơn từng ngày. Ngay cả khi chị sở hữu những năng lực đặc biệt, chị vẫn dành mười năm cống hiến cho một công ty, mười năm trung thành với một vị sếp để kiên nhẫn học hỏi đấy thôi. Và thành quả của chị hôm nay là một trong những câu trả lời điển hình cho những ai đang thắc mắc đi tìm con đường tới thành công.
Nếu bạn muốn tìm một cơ hội để lăn lộn với F&B tôi nghĩ bạn có thể tìm đến công ty của chị. Nếu bạn có một ý tưởng kinh doanh đột phá, bạn cũng có thể tìm tới chị ấy như một nhà đầu tư có nghề. Tôi không chủ ý chỉ ca ngợi chị vì chị từng là khách hàng của tôi. Một câu chuyện thật, một con người thật sẽ là vinh dự cho tôi khi được viết về họ. Viết về những người phụ nữ xung quanh chúng ta, rằng họ tuyệt vời như thế nào. Tôi xem đây giống như gieo một mối duyên tốt lành nếu câu chuyện tôi kể có thể ảnh hưởng tích cực tới những người khác. Chúc chị sức khoẻ và có thêm nhiều thế hệ tiếp nối thành công của chị, một người phụ nữ mà tôi hết sức kính nể.