About Kitchen (Chapter 1)
Bếp là được gọi là trái tim của một căn nhà vậy thì trái tim ấy phải được chăm sóc cẩn thận từng ngóc ngách, phải phù hợp với cơ thể - chính là căn nhà bạn. Bếp không cần quá cầu kỳ về hình thức mà cần đầy đủ chức năng để phục vụ công việc nấu nướng. Với những người mê nấu ăn thì bếp còn quan trọng hơn phòng ngủ của họ. Bếp đối với tôi là nơi thật sáng sủa, sạch sẽ và đủ không gian để tạo cảm hứng. Bạn biết đấy người ta dễ dàng cáu kỉnh với những vết dầu bám đen trên kiềng bếp ga, rồi nhăn nhó khi tìm mãi không thấy con dao thái rau đâu cả. Nếu bếp thật sự ngăn nắp và tiện lợi thì hẳn ai cũng muốn ở lâu trong bếp để nấu ăn.
Mỗi ngày bạn dành nhiều thời gian cho bếp chứ?
Bạn có yêu bếp của mình không?
Bạn sẽ tự hào khoe bếp của mình với tất cả mọi người?
Bạn thường làm những bữa thịnh soạn trong bếp và mời bạn bè đến ăn?
Nếu câu trả lời là Yes - yes - yes and yes thì chính xác bạn là người yêu bếp. :D
Vậy điều gì làm nên một căn bếp đẹp, tạo cảm hứng và khiến bạn tự hào? Hẳn là có rất nhiều cách và tôi xin chia sẻ vài điều mà mình đã gửi gắm vào căn bếp chính mình.
1. Bếp cần có nguồn sáng
Đôi khi bạn làm món salad tuyệt đẹp định lấy điện thoại ra chụp mà lên hình tối thui hoặc màu sắc xỉn như rau héo qua 2 tuần. Mặc dù vớt vát bằng việc bật hết điện trong nhà lên nhưng kết quả vẫN thảm hoạ, bạn nghĩ mình cần thay chiếc máy ảnh đắt tiền hơn! Thực ra ánh sáng không tốt là nguyên nhân đầu tiên khiến bức ảnh trông xấu xí, thiếu sức sống.
Bạn dọn dẹp bếp sau khi nấu dù đã lau chùi kỹ, bật max công suất hút mùi mà vẫn cảm thấy bếp nhà mình ngột ngạt, ẩm ướt thì hãy xem lại cách bài trí của căn nhà. Bếp cần gần một nguồn sáng nhất định: cửa sổ hoặc ban công, có nhiều hơn 1 cửa sổ thì càng tốt. Hãy để cửa mở khi nấu ăn, ánh sáng chiếu vào làm sáng căn bếp, giúp bạn nhìn rõ từng thớ thịt, gió trời được lưu thông vào trong nhà giúp khô thoáng mọi ngóc ngách. Rửa rau dễ ráo nước và việc dọn dẹp cũng dễ dàng hơn rất nhiều.
2. Tối giản (Less is more)
Nhiều người trong chúng ta đã từng bỏ ra khá nhiều tiền để mua chiếc bếp từ 4 mặt nhập khẩu nhưng trông nó chả ăn nhập gì với bộ nồi hoặc quá to so với căn bếp mà thực sự chả dùng hết chức năng của nó. Bạn bắt đầu băn khoăn có nên nâng cấp bộ dao cho hợp rồi cái tủ chạn có vẻ không được xịn lắm, hôm nay đi chợ có cái thớt đẹp nên mua về dù ở nhà có hẳn 4 cái xếp xó, bộ bát hoa văn đẹp quá, chắc là tết sẽ dùng đến thôi cứ mua biết đâu lúc cần... Sửa chỗ này vá chỗ kia cuối cùng thì bạn chẳng thể thay toàn bộ căn bếp chỉ vì cái bếp từ kia và nhận ra mọi thứ trông lủng củng khi đứng cạnh nhau dù một vài món đồ có vẻ cũng đắt đỏ.
Người ta luôn tốn tiền vào những thứ mình không cần đến rồi hy vọng chúng làm họ hạnh phúc nhưng bạn hãy hiểu rằng hãy để bếp làm đúng nhiệm vụ của nó là nấu những bữa ăn ngon, tiện lợi đảm bảo sức khoẻ. Bếp không cần lộng lẫy quá mức mà hãy chọn những thứ phù hợp chẳng hạn như: nhà bạn ít người chỉ cần bếp 2 mặt là được, rổ rá nên chọn kích cỡ vừa đủ dùng và xếp gọn được vào nhau để tiết kiệm diện tích.
Giấu tất cả những chi tiết vụn gồm đũa, thìa, nĩa, kẹp, đồ đong, cân đo... để bếp gọn nhất có thể.
Đồng bộ những chai lọ đựng gia vị, nguyên liệu nấu ăn, gạo, hạt để chúng trông sạch sẽ hơn. Mình thường sửa dụng chất liệu thuỷ tinh cho chai, lọ và inox cho dụng cụ. Đồ gỗ, mây tre đan cho thùng, hộp, giá để đồ. Tiết chế đồ plastic vì trông chúng không thân thiện môi trường và nhanh xỉn màu.
Để ý đến tiểu tiết. Dẻ rửa bát xoè xoẹt trên mặt bàn rồi đến lúc bạn sờ vào thì lõng bõng nước, rửa bát vốn đã cực lắm rồi đừng để nó khiến bạn phải chối đây đẩy nữa. Ngay cả đồ cọ xoong cũng cần ngăn nắp, bạn có thể mua miếng đỡ giống của mình ở siêu thị, rất gọn gàng và thẩm mỹ đúng không nào?
3. Sự tiện dụng
Hãy để những nhóm dụng cụ liên quan vào cùng một khu vực giúp cho việc sử dụng tiện lợi và tiết kiệm thời gian tìm kiếm nhất. Buổi tối bạn chỉ có 1 tiếng trong bếp nhưng cứ phải đi tìm nào là để lót nồi ở đâu, dao cất chỗ nào rồi, không biết đã rửa chưa? Túi nilon đựng rác còn hay hết... Đủ thứ việc vớ vẩn làm cho bạn không đủ thời gian để ủ bánh mỳ, luộc rau thì quá lửa vì mải đi tìm lọ muối rồi mẹ, chị bạn phàn nàn hôm nay thịt bị sống rồi. Bực ghê, một mình bạn ở trong bếp vất vả nấu nướng rồi chả món món nào ra hồn cả, ghét nhất là bị chê nấu dở :((
Cân điện tử thì phải đi với que nhiệt độ, khuôn làm bánh thì phải đi với máy đánh trứng chứ nhỉ. Giấu tất cả bọn chúng vào ngăn kéo cạnh cái lò nướng thế là xong haha. Găng tay chống nhiệt để đâu? Tất nhiên treo cạnh cái lò rồi, quá đơn giản!
4. Clean and clear
Nấu đến đâu thì gọn đến đấy. Ăn cơm xong nhất định phải rửa bát, đừng để đồ ăn thừa ở ngoài rồi sáng hôm sau cả nhà ngửi thấy mùi hành tỏi. Đằng nào cũng phải rửa bát tại sao không làm luôn cho gọn?
Các cụ nói cấm sai bao giờ. Mình nói thật là có khách vào nhà mà thấy chồng bát vẫn xếp xó thì mình xấu hổ lắm...
Rửa bát cũng cần phải có thứ tự. Hãy làm việc một cách khoa học các bạn nhé:
Rửa dao, thớt trước
Rửa nồi, xoong, chảo sau
Thìa dĩa, đũa, dụng cụ tiếp theo
Bát và đĩa rửa cuối cùng
Cuối cùng thì chúc bạn có một căn bếp xinh đẹp, thơm tho đầy quyến rũ như bếp của mình đây hahaha. Nhớ chụp lại before - after căn bếp của bạn để chúng ta chia sẻ với nhau sau khi thực hiện những điều mình lưu ý trên nhé. Còn sau khi thực hiện đầy đủ rồi mà bếp vẫn xấu thì đọc tiếp phần II của bài viết này ngay. ;)