About Kitchen (Chapter 2)
Hi hi lại là mình đây. Căn bếp của các bạn thế nào rồi? Hôm nay mình đi chợ mua táo về ăn mà chua quá đành để ép nước uống cho dễ. Mục đính chính là chụp ảnh đẹp cho các bạn ngắm còn ăn chỉ là phụ thôi nên chua mình chịu được =))). Bài trước mình có nhắc đến chuyện nếu làm theo hướng dẫn mà bếp vẫn không đẹp thì phải đọc bài này, ngoài ra mình bật mí cách đi chợ để các bạn có căn bếp đẹp với chi phí rẻ nhất. Bắt đầu với những câu hỏi nào
Có chứ! Bạn phải biết đi chợ nhé, tham khảo nhiều báo giá các bên để so sánh nha. Đầu tiên là bếp của bạn có rộng không đã? Càng rộng thì càng tốn tiền và còn phụ thuộc vào chất liệu mà bạn sử dụng, số phụ kiện bạn muốn gắn vào cho tiện ích, rồi cả mấy thứ lặt vặt như bản lề, thanh inox, mặt đá, chậu rửa...
Ở bài viết này mình chia sẻ những kinh nghiệm sau khi làm căn bếp đầu tiên, tự thiết kế và chọn vật liệu. Mình không phải là kiến trúc sư hay buôn bán vật liệu nên một vài từ ngữ sẽ không đúng chuyên ngành và sẽ cố gắng nói dễ hiểu nhất để những bạn không biết gì về xây dựng cũng có thể hiểu được.
1.Tự thiết kế để tiết kiệm chi phí
Ôi khó thế sao làm được? Cực dễ nếu bạn biết cách tìm hình minh hoạ ^^. Đầu tiên thì bạn cần căn bếp thế nào?
- Đơn giản thôi vì chả nấu mấy, miễn đẹp là được = bếp minimal
- Ờ thì nấu đồ Âu, Á đều được có chỗ để vầy mấy cái bánh lau dọn dễ dàng = bếp cơ bản, có chỗ đặt lò nướng chỗ để máy trộn, bàn đủ rộng để nhào bột.
- Nấu cho cả đại đội ăn ý chứ = bếp đầy đủ tủ trên + tủ dưới + bàn bar + bếp nối....
Sau khi xác định rõ nhu cầu rồi thì lên mạng tìm kiếm từ khoá là: "minimal kitchen, kitchen design, vintage kitchen.. vân vân..mây mây..." Không biết tiếng Anh thì bấm vào chỗ này hỏi anh 2Gờ.
Sao không gõ tiếng Việt? Gõ thử sẽ thấy toàn mấy hình không đẹp đâu ^^. Chọn được style bếp rồi thì dựa vào nhu cầu sử dụng mà thiết kế ra bếp của mình nhé. Dưới đây là bản thiết kế sơ khai của mình :>
Đo thật kỹ diện tích thực tế, chiều dài từ mép bếp đến chỗ đặt đường ống nước (khu vực này phải lưu ý chuẩn xác vì phải khoan mặt sau tủ bếp ráp nối với chậu rửa).
Bếp của mình ưu tiên cơ động để tiết kiệm diện tích cho bàn nhào bột mỳ nên sử dụng bếp dương, cần nhào bột lúc nào thì cất bếp đi lúc ấy, rất tiện. Bên dưới là để lò nướng, lò vi sóng nhưng thay đổi sau đó thành chỗ để khuôn làm bánh. Hôm nào có bạn đến ăn lẩu thì lại nhấc bếp xuống được khỏi dùng bếp ga du lịch không an toàn.
Chậu và vòi rửa mình dùng loại chậu đơn thôi nhưng lòng rộng để rửa cho thoải mái. Dáng vòi cong như kia thì đẹp hơn là vòi co giãn.
Mặt đá dùng loại trắng vân mây dày 18mm nguyên miếng và không bo viền nhìn dày lắm. (*Lưu ý: riêng khoản đá này hãy tính kích thước thật chính xác với chiều dài bàn bếp vì nó liên quan đến gạch ốp trên tường. Tránh đo thừa số gạch thì phải cắt gạch bếp không còn hoàn hảo nữa).
2. Chọn chất liệu
Giá bếp luôn tính theo mét dài không tính mét vuông, gỗ công nghiệp thường đắt hơn gỗ tự nhiên, gỗ nhập khẩu đắt hơn gỗ nội cùng loại nhưng được xử lý chất liệu tốt hơn và bề mặt cũng đẹp hơn chút. Nếu bạn không có quá nhiều bát đĩa hoặc sử dụng 1 số đồ cơ bản hằng ngày và có kho cất đồ riêng như của mình thì chỉ cần làm bếp dưới thôi sẽ tiết kiệm 1/2 số tiền gỗ. Giá gỗ cũng tuỳ cơ sở làm bếp nhưng mức độ tăng dần thì tương đương nhau theo thứ tự sau:
- Gỗ tự nhiên (rẻ nhất xoan đào, gỗ thông, tần bì, sồi Nga, sồi Mỹ,...)
- Gỗ công nghiệp (MDF, MFC, Laminate, Acrylic)
Một số mẫu Laminate đẹp mình đã chụp lại bạn có thể xem dưới đây:
Gía tham khảo trên mạng thì mỗi nơi một kiểu và đắt hơn so với những hàng bán gần các khu chung cư. Mình không biết chất lượng tương đương không vì mình làm gần nhà mình giá rất rẻ nhưng mức độ hoàn thiện cũng hên xui =))) nên bạn nào máu liều cứ thử đi nhé, có gì trao đổi thêm với nhau về sản phẩm.
Bếp của mình đang dùng loại Laminate ưu điểm thì chịu lực tốt, chống nước và nhiệt khá tốt, bề mặt vân gỗ khá đẹp tuy nhiên bạn chọn màu là một chuyện có thi công được không thì phải đợi kho check hàng (thường các nhà thi công bếp nhỏ không có sẵn gỗ nhập, họ phải lấy hàng từ cơ sở chuyên nhập gỗ khác nên quá trình chờ đợi để chốt đơn mất khoảng mấy ngày). Mình không thích loại Acrylic vì nó quá bóng tạo cảm giác công nghiệp, không thân thiện nhưng ưu điểm của nó thì dễ lau rửa nhất, tạt nước thoải mái và cũng không có mối mọt nào có thể gặm được lớp nhựa phủ bóng của nó cả :)). Tất nhiên nếu bạn không quan tâm đến vấn đề nước nôi cho lắm thì cũng không cần thiết vì nấu ăn chứ có phải tắm biển đâu, Laminate thì thừa sức chống nước rồi.
Xong vụ gỗ giờ đến phụ kiện bao gồm bản lề, giá inox, khay trượt, chậu vòi... nhà thi công tính riêng khoản này và cộng vào cũng kha khá.
- Đá mặt bàn (đắt nhất là marble tự nhiên, đến marble nhân tạo, đá trắng, đá đen...) giá từ 1.100.000 đ trở lên nhân với số mét dài bếp nhà bạn (kích thước tiêu chuẩn đá mặt bếp là 60 cm).
- Chậu + vòi rửa hay đi đôi với nhau giá cũng nhiều loại dao động từ 1.300.000 đ trở lên.
- Bản lề giảm chấn giá khoảng 70.000 đ 1 cặp x số cánh cửa bạn có.
- Khay đế dao inox có thanh trượt từ 800.000 đ trở lên
- Giá để bát _ khay inox hứng nước đi kèm giá 1.000.000 đ trở lên
- Giá đỡ đồ trang trí bếp trên (giống thiết kế của mình) 600.000/cái khoan bắt thẳng vào tường.
- Gạch ốp tường (giá cực rẻ chỉ 100/hộp 7 viên kích thước 60 x 35 cm) x số mét dài của bếp còn chiều cao lý tưởng là 60 cm nha. Địa chỉ dành cho khu vực Ba Đình - HN là dọc đường Cát Linh rất nhiều mẫu, bạn nào ở Thanh Xuân hoặc Hà Đông ra Đại Mỗ giá rất rẻ.
- Kính ốp bếp (để chắn dầu mỡ bám vào tường và cũng là trang trí nhưng khuyên thật đừng dùng :)) không đẹp đâu, giá còn đắt gấp 6 lần gạch thì phải, ốp gạch như mình rẻ hơn mà còn đẹp)
Nếu nhà thi công có mời mua thêm mấy phụ kiện linh tinh để gia giảm chắc chắn hoặc cho "đầy đủ" nọ kia, cảm thấy không dùng đến thì không cần mua cũng tiết kiệm được 1 khoản.
3. Ký hợp đồng
Sau khi tham khảo chán chê các nhà thi công cùng các loại vật liệu rồi thì tiến hành ký hợp đồng hoặc ký tên trên bản giao kèo với bên cung cấp. Nhớ ghi rõ từng vật liệu đăng ký với nhà thi công và chụp ảnh lại để xác nhận giá cả ngày ký nhé. Check lại tất cả các nhãn hiệu bạn sử dụng và màu gỗ chuẩn nhất cùng số hiệu tên gỗ tránh nhập nhằng. Kiểm tra bản vẽ kỹ thuật sau khi 2 bên đã trao đổi nhiều lần để chốt phương án, đảm bảo chiều cao bếp hợp chuẩn (chuẩn là 90 đến 1m nhưng nhà thi công thường bớt xuống 80 cm để tiết kiệm gỗ và chi phí). Trước khi thi công hãy gọi điện xác nhận lại nhắc nhở lần nữa để chắc chắn các chi tiết bạn lưu ý kỹ thuật không bị bỏ qua.
4. Giám sát thi công
Đừng phó mặc thiết kế của bạn cho bất kỳ người thợ thi công nào dù người quen. Đây là kinh nghiệm của mình sau các lần thuê đóng nội thất, khoan lắp bình nóng lạnh, sửa đường nước và bây giờ là đóng tủ bếp :)). Bạn thiết kế ra giá bát rất đẹp nhưng thi công xong nhận ra màu của nó lệch nhau hay mặt bàn đá nhà bạn bị mẻ một miếng ở góc rồi trăm thứ lặt vặt như khoan tường lệch nhau 1cm giá bị nghiêng phải khoan lại cả 2 lỗ chứ k ai khoan tiếp 1 lỗ bên dưới cả rồi tường nhà bạn nát tươm cho xem :))
Người ký hợp đồng và người trực tiếp thi công là 2 người khác nhau nên bạn phải giám sát để đảm bảo 2 bên hiểu ý nhau, tránh mấy việc lắp xong rồi mới thắc mắc "ơ sao vòi nước không lắp bên trái mà lắp bên phải?" Thứ tự lắp bếp nhà mình như sau, các bạn tham khảo và sắp xếp thời gian giám sát nhé:
- Lắp tủ bếp trước
- Cắt và lắp bàn đá tiếp theo
- Lắp chậu rửa và vòi nước, bếp từ ,hút mùi
- Lắp giá inox và các chi tiết trang trí: giá kệ, ngăn kéo...
- Bắt keo và hoàn thiện phần bếp
- Ốp gạch trên tường bếp
- Test đường nước, ổ điện
5. Thời gian thực hiện
- Thời gian chờ đóng tủ để thi công khoảng 7 - 10 ngày trở lên.
- Thời gian thi công khoảng 1,5 đến 2 ngày cho tất cả mọi thứ liên quan
Tuyệt đôi tránh đặt tủ bếp hoặc làm tất cả mọi thứ liên quan đến nhà cửa vào thời gian trước tết Âm lịch. Thợ mộc và thợ thi công, xưởng gỗ thường ở các vùng quê, ngoại thành nên họ sẽ vội vàng về ăn tết, hơn nữa đơn hàng tết rất nhiều và làm bếp là ngạch nhỏ thôi nên sẽ không phải là sự ưu tiên hàng đầu của họ. Hơn nữa thợ cứng đi làm công trình lớn, chỉ còn lại thợ phụ làm mấy công trình nhỏ nên khả năng hoàn thiện của họ không tốt. Nếu có xảy ra sai sót trong quá trình làm việc thì bạn là người chịu thiệt. Vốn dĩ chất lượng thi công luôn là vấn đề gây nhiều phàn nàn nhất trong tất cả các công đoạn sản xuất của người Việt.
Các bạn hoàn thiện bếp thì chụp ảnh mình xem sản phẩm với nhé. :D Chúc mọi người tìm được nhà thi công dễ thương và có tâm.