Tổng hợp 25 kinh nghiệm thiết kế và thi công bếp (About Kitchen Chapter 4)
Trải qua 3 lần thi công bếp mình đã rút ra được rất nhiều kinh nghiệm thiết kế bếp sao cho đẹp và nên làm cái gì phù hợp với túi tiền. Nhưng chung quy lại luôn là 2 câu hỏi quan trọng nhất đó là: “Khi nào? Bao nhiêu tiền?”.
Nếu bạn cần những lời khuyên xác đáng để chuẩn bị cho hành trình thiết kế, tân trang lại căn bếp của mình thì đây là bài viết đầy đủ nhất từ trước tới nay. Bài này bao gồm 5 phần mình phân tích dựa trên 2 câu hỏi bên trên quyết định hầu như hình thức của mọi căn bếp. Trong đó mình tóm tắt bằng các thẻ ghi nhớ 25 mẹo thiết kế và thi công bếp để các bạn dễ theo dõi.
Kế hoạch là điều đầu tiên bạn cần làm chứ không phải là chọn thiết kế thi công bên nào?
Bạn cần nêu rõ thời gian bạn dành cho công việc này nhiều hay ít và nếu bạn không trực tiếp giám sát thi công căn bếp của mình thì ai sẽ là người thay bạn có trách nhiệm phản hồi hỏi đáp các bên liên quan. Ví dụ mình xây bếp này nhưng nhà mình đi thuê nên mình cần tối ưu thời gian thi công để không làm gia tăng tiền thuê nhà quá nhiều. Sẽ là thảm hoạ nếu công trình của bạn bị delay vài tháng, điều này cũng thường xảy ra với chất lượng thi công ở Việt Nam đó. Bạn không thể nấu nướng, sinh hoạt hoặc thậm chí đi lại dễ dàng trong không gian đang thi công dang dở. Hoặc bạn phải chuyển về ở trễ, hoặc đi lại bất tiện giữa 2 ngôi nhà sẽ tốn nhiều thời gian của bạn. Thời gian là thứ quý giá mà không ai muốn lãng phí nên việc đầu tiên bạn cần làm là kế hoạch dự kiến cho thời gian thi công căn bếp rồi bám sát kế hoạch bạn vẽ ra. Cùng khám phá nhé!
Chia thời gian thực hiện
Tuỳ vào diện tích và mức độ phức tạp của công trình mà quyết định giành bao nhiêu thời gian thi công. Nếu là bếp trong căn hộ chung cư nhỏ 50m2 - 70 m2 thì mất ít nhất 1 tuần cho thi công, chưa tính thời gian thiết kế.
Dựa trên căn bếp mình đã thi công thì sẽ có 4 loại thời gian chính như sau:
· Tìm ý tưởng, chọn phong cách thiết kế chủ đạo và chọn đồ bếp
· Thiết kế, dựng 3D
· Thi công – sửa chữa
· Dọn vệ sinh - trang trí
2. Chi phí
Chi phí tuỳ theo điều kiện kinh tế của mỗi người nhưng nó chia làm 4 loại chi phí sau:
% chi phí Thiết kế và thi công.
% chi phí mua sắm đồ, thiết bị bếp
% chi phí décor.
% Chi phí phát sinh (không ít thì nhiều bạn sẽ luôn luôn có phát sinh chi phí này.) Mức độ an toàn mình nghĩ từ 10 – 15% tổng của các chi phí trên.
Bếp nào đơn giản thì không có chi phí thiết kế nữa, nhiều bên thi công sẽ nhận luôn phần này dựa theo các mẫu mà họ có sẵn, chỉ thay đổi màu sắc theo ý chủ nhà hoặc kích thước dựa trên thực tế.
3. Thiết kế
Tìm hiểu phong cách thiết kế
Tìm hiểu phong cách thiết kế và lên ý tưởng rất quan trọng vì nếu bạn không có ý tưởng rõ ràng thì khó trao đổi với kiến trúc sư. Như vậy sẽ dễ có phát sinh hiểu nhầm ý nhau hoặc vừa làm vừa nghĩ ý tưởng sẽ kéo dài thời gian thiết kế. Hoặc bạn cũng có thể để KTS gợi ý toàn bộ nhưng việc trao đổi thông tin phải rõ ràng tránh trường hợp vẽ ra hết rồi lại thắc mắc: “Anh/ chị có muốn thế đâu!“. Mất thời gian đôi bên.
Bạn cũng có thể tự chủ động vẽ ra những đồ đạc mình muốn, theo kích thước phù hợp với đồ bếp. Trong quá trình trao đổi với KTS mình cũng vẽ được khá nhiều thứ như vị trí hộc tủ, chia ngăn tủ, đảo bếp.
Chọn kiến trúc sư
Muốn chọn kiến trúc sư phù hợp bạn hãy khoanh vùng trước và xem portfolio của KTS. Nếu bản thân kỹ tính thì bạn nên chọn những KTS hoặc công ty Kiến trúc đã có kinh nghiệm thiết kế nhiều dạng bếp để lúc sử dụng tránh được những lỗi vặt như: Mặt đá bếp bị nghiêng, rửa bát nước chảy xuống mặt sàn… Khi tham khảo giá mọi người chỉ chú ý đến giá cả và mẫu mã, còn chất lượng thì khó mà biết nên cách tốt nhất vẫn phải xem qua portfolio của bên thiết kế hoặc tin tưởng những bên mà người quen recomend.
Bạn cũng có thể tham khảo contact bên thiết kế mà mình đính kèm dưới bài này nha.
Bám sát concept thiết kế chủ đạo
Khi bạn phân vân giữa nhiều style thiết kế khác nhau nhưng mỗi thiết kế lại có nhiều màu khác nhau nữa… sao để chọn? Câu trả lời là hãy chọn 1 phong cách chủ đạo trước sau đó chọn màu chủ đạo sau. Cố gắng mix nhiều thứ với nhau sẽ rất rối rắm và mất thời gian. Chưa kể lúc dọn dẹp là cả một vấn đề.
Thiết kế và dựng 3D.
Khi thiết kế thường sẽ có 2 bản vẽ:
1 bản vẽ 3D (tuỳ vào chi phí mà bạn bỏ ra sẽ có thêm 3D hay không. Bản vẽ này mang tính tương đối)
1 bản vẽ kĩ thuật (Bản vẽ này mang tính chính xác).
Nếu muốn thay đổi thiết kế hoặc kích thước tủ bếp tốt hơn nếu bạn làm điều đó trong thời gian bàn bạc ý tưởng vì khi có 3D rồi sẽ khó để sửa và sửa cũng lâu hơn do thao tác đồ hoạ cần nhiều thời gian để xuất file. Nhiều khi file 3D đến tay gia chủ chậm không phải do kts làm chậm mà do khối lượng file phức tạp, cần thời gian để điều chỉnh và xuất file. Giục tốc bất đạt nên kiên nhẫn đợi để có 1 file 3D hoàn chỉnh bạn nhé.
Để căn bếp đạt hiệu quả thẩm mỹ nhất nên lựa chọn thiết bị bếp có thể tương đồng với phong cách thiết kế. Nếu bạn đã có sẵn hầu hết các thiết bị và chỉ sửa lại bếp thôi thì cần cân nhắc lựa chọn màu sắc sơn, màu gỗ, chất liệu mặt đá bếp, gạch bếp để 2 bên phù hợp với nhau.
Ví dụ tủ bếp dưới của bạn dài trên 3m nhưng bạn lại chọn 1 chiếc bếp ga đơn thì nhìn tổng thể trống trải. Hoặc mặt bàn bếp rất lớn nhưng sink rửa bát lại quá nhỏ dẫn đến việc chuẩn bị nguyên liệu thì dễ bày ra nhưng lúc rửa bát lại khó xếp vào.
Chia sẻ danh sách thiết bị bếp và kích thước với KTS
Kích thước của đồ bếp cũng rất quan trọng. Bạn cần báo cho KTS gồm những thiết bị âm tường như: bếp, lò, tủ lạnh, sink rửa bát, máy rửa bát, máy hút mùi, máy lọc nước, lò vi sóng. Các kích thước này dùng để thiết kế bản vẽ kĩ thuật, đảm bảo khi thi công không có sai số và vừa khít với các thiết bị của bạn.
Nhiều trường hợp gia chủ muốn làm hộc tủ to nhưng sắm tủ lạnh nhỏ sẽ có xu hướng lấp đầy chỗ trống như: Nhét thêm mấy bịch giấy ăn lên trên nóc tủ lạnh, đặt vừa mấy lon bia hoặc tệ hơn bạn bê lò vi sóng lên nóc tủ để cân bằng âm – dương :). Lỗi hay gặp nhất là tủ dưới có hộc đặt lò nướng nhưng gia chủ lại đặt lò vi sóng, tủ hở một khoảng trống lớn vừa dễ bám bụi vừa dễ lọt đồ. Nhìn tổng thể mất đi tính nhất quán và thiếu gọn gàng.
Những chiếc móc treo của mình là đặt làm rồi mạ đồng vì ở VN không có loại tương tự. Theo đó những chiếc tay nắm cũng màu đồng luôn. Nhiều món đồ thiết kế giống nhau về phong cách nhưng cách dùng phụ kiện làm điểm nhấn thì tạo nên sự khác biệt. Bạn cũng có thể sắm những tay nắm, khoá chốt khác nhau để thay đổi cho căn bếp mới lạ hơn.
Ngoài ra để công trình đảm bảo tính thẩm mỹ nhất thì màu sắc của đồ bếp cũng đóng vai trò quan trọng. Thường thì đồ bếp có màu inox, ghi, trắng hoặc đen. Bạn hãy dựa trên màu sơn tường và màu sơn tủ bếp để chọn màu thiết bị bếp phù hợp. Nếu có nhiều thương hiệu đồ bếp khác nhau, khả năng màu inox cũng khác nhau nên cố gắng lựa chọn những model có độ sáng tương đồng. Nếu chọn tone trắng và đen thì cân nhắc độ tương phản của 2 màu này.
Cân nhắc lựa chọn kiểu dáng, chất liệu. Ví dụ chọn mua vòi nước đẹp nhưng bồn rửa lại không hợp với nhau thì hãy cân nhắc điều chỉnh chất liệu chọn sang cùng 1 loại mới để trung hoà.
Nếu bạn lựa chọn màu tối theo thiết kế chủ đạo nhằm mục đích thẩm mỹ thì nó rất hợp lý. Màu tối cũng tạo nên vẻ sang trọng cho ngôi nhà. Nhưng nếu bạn chọn màu tối chỉ để cho nó SẠCH thì điều này rất kì cục. Chẳng nhẽ bếp bẩn nhưng vì không nhìn thấy nên coi như nó sạch? Chẳng phải tự che mắt bản thân? Nếu đã muốn sạch phải triệt để. Không nhất thiết lúc nào cũng phải lựa chọn tone trắng nhưng càng nghiêng về các màu sáng thì càng dễ dàng phát hiện vết bẩn. Chỉ có lau dọn thường xuyên thì bếp mới sạch sẽ thơm tho được. Bạn cũng có thể dùng chất liệu có bề mặt dễ lau để bếp sạch hơn (tìm hiểu thêm tại bài Chapter 1).
Đá cẩm thạch rất phù hợp làm mặt bàn bếp nhưng cần chọn đúng loại. Không dùng những mặt đá vân vằn vện phức tạp làm mất tập trung khi nấu nướng. Đá marble nhân tạo lại bảo quản dễ hơn đá tự nhiên. Khả năng và chống xước, chống thấm của marble tự nhiên kém hơn đồ nhân tạo. Nếu bạn đề cao tính thẩm mỹ và thường xuyên lau dọn thì hãy sử dụng marble tự nhiên nhé. Không gì tuyệt hơn những đường vân cẩm thạch ấy.
Nhà bếp khác thời trang ở chỗ không phải cứ đẹp là được. (Trừ khi bạn xây bếp nhưng không có nhu cầu nấu nướng). Muốn Minimalism nhưng tha đủ thứ thiết bị về nhà mà không có tủ chứa, đành vứt đại xuống đất hoặc dấp vào xó nhà chẳng hạn. Hãy xác định số đồ bếp mình có và tính toán diện tích cho tủ, hộc để chứa nó.
Mua một chiếc máy hút mùi công suất lớn nhưng khoảng cách từ máy hút tới mặt bếp quá xa thì cũng vô tác dụng. Mình đã gỡ bỏ 2 hàng gạch bên trên để khoảng cách từ mặt bếp tới hút mùi gần nhau hơn, hiệu quả thay đổi rất rõ rệt. Khoảng cách của mình khoảng 65cm. Nhưng nếu bạn làm tủ bếp trên bạn có thể thu hẹp còn 45cm.
Khi nhận được file thiết kế 3D mà vẫn trong quá trình chỉnh sửa hãy tham khảo ý kiến người sẽ cùng sống, nấu nướng với bạn hoặc hội ý trong gia đình, nhóm bạn thân thiết chớ dại mà mang lên group mấy chục ngàn người rồi đẽo cày giữa đường không biết thiết kế của mình xấu hay đẹp còn kts thì tự ái bỏ công trình luôn.
Rốt cuộc là, mình thuê KTS thiết kế bếp cho mình, không phải tk bếp cho thiên hạ nên người ta chỉ phục vụ ý tưởng của mình thôi, đừng nghĩ trả tiền rồi thì phải phục vụ cả nhiều người không liên quan. Như vậy là chưa tôn trọng chất xám của nhau. Mỗi người một ý, làm sao mà chọn?
Tôn trọng KTS cũng là tôn trọng công trình của mình.
4. Thi công
Bám sát thời gian thi công. Công trình thành hay bại phần cũng ảnh hưởng bởi thời gian. Đặc biệt sẽ là thảm hoạ nếu bạn đi thuê nhà nhưng thời gian sửa nhà vượt quá thời gian dự kiến cho phép. Uy tín nhà thầu cũng được tính trên thời gian cam kết thi công. Nếu thi công quá dự kiến cho phép bạn không thể dọn đồ vào ở hoặc nấu nướng được.
Đường thoát nước phải đảm bảo kết cấu, chống đục phá sau này.
- Sơn tường hay tủ bếp nếu phân vân độ đậm nhạt thì nên test màu trước.
Lưu lại mã số, tên thương hiệu những lần test sơn tường, trần, tủ. Chẳng may thiếu sơn cần mua mới mà quên mất vứt cái vỏ hộp đi thì tìm lại cũng khổ phết.
Nếu thi công có vẻ chậm tiến độ thì trao đổi thẳng thắn với nhà thầu. Nhỡ có ai chậm việc của ai thì phải báo trước với đối tác để tôn trọng thời gian của nhau.
Thông thường vòi lọc nước sẽ cùng trên sink rửa bát và cạnh vòi rửa. Mình thì thấy khá bất tiện khi muốn lấy nước uống trong khi có người đang rửa bát đứng bênh cạnh. Nếu sơ ý nước và xà phòng có thể bắn thẳng vào cốc nước bạn đang đợi rót. Mình cũng ngại phải giữ cốc lúc đợi rót nước nên mình đã chuyển vòi nước sang mặt đá bên cạnh để đạt được 2 tính năng là: Không cần giữ, để thẳng cốc nước trên mặt đá ổn định, tránh xa nguồn nước để rửa. Ngoài ra mình cũng thấy trông nó duyên dáng hơn nữa nên chẳng tội gì không thử, mặc dù chưa từng thấy ai làm như vậy nhưng về mặt công năng nó vẫn rất hợp lý. Hơn nữa nhà mình hay tiếp khách nên khu vực vòi nước mình đặt cạnh 1 giá ly nhỏ để mọi người có thể tự ý rót nước cho bản thân, đề cao tính cá nhân. Dựa trên nhu cầu thực tế và sở thích cá nhân để tạo ra những điểm nhấn hợp lý bạn nhé.
Mình cũng xác định xây bếp để thoải mái quay film chụp ảnh nên đảo bếp gắn luôn bánh xe để tiện sau này di chuyển góc máy.
5. Lắp đặt phụ và vệ sinh tổng quát
Đèn chiếu sáng, đèn trang trí
Nếu bạn muốn cầu kì lựa chọn những đồ trang trí hoặc đèn chiếu sáng từ nước ngoài. Hãy kiểm tra nếu còn hàng hoặc đảm bảo việc vận chuyển không làm vỡ hỏng đồ đạc. Ngoài ra nên tham khảo nhiều nguồn cho 1 sản phẩm, tránh trường hợp chọn bên giá rẻ nhưng mua phải hàng giả hoặc thời gian order quá lâu hoặc tiền ship cao hơn tiền đồ chẳng hạn. Tốt hơn nếu đồ ship về trước thời gian bạn hoàn thiện thi công vì trong trường hợp lắp lên thực tế không đẹp (nhỏ quá, to quá, màu sắc không giống…), thì vẫn còn thời gian để lựa chọn phương án khác. Như vậy tránh được cảm giác sốt ruột khi bếp xây xong rồi mà trống trơn vì k có đồ décor. Nếu sắm đèn sau khi thi công xong thì bạn lại phải tự xắn tay làm việc thì lách cách lắm, nào là đấu dây điện, khoan tường, mua đinh ốc các kiểu. Nên thà sắm trước để thi công 1 thể sẽ tiện hơn. 14./Sắm đèn tường, tranh ảnh trước khi hoàn thiện thi công.
Rèm cửa sổ.
Bây giờ đã là năm 2020 hãy tránh những kiểu rèm hoạ tiết rối rắm mà chất liệu bóng nhoáng như kim loại. Chiều dài của rèm cũng toát lên sự tinh tế. Với mình rèm đẹp nhất là gần chấm đất. Khi lau dọn không chạm vào nước trên mặt sàn, khi nhìn trực diện thì không thừa thãi hoặc đừng cắt rèm quá cao, lếu lửng hơn 10cm so với mặt đất thì càng kì cục.
Tranh ảnh, đồ décor.
Nếu bạn thật sự muốn treo tranh sao cho ấn tượng thì hãy tìm hiểu thêm qua gg hoặc tới gallery để được tư vấn. Còn đơn giản hơn, bạn không muốn mất thời gian hoặc cũng không hiểu về tranh hãy treo tranh phù hơp với màu sơn tường và những màu nhã nhặn để đừng gây sự chú ý quá. Tranh đen trắng cũng là một gợi ý tốt.
Bàn ghế ăn
- Biết là sở thích cá nhân mỗi người mỗi khác nhưng đã trót bỏ tiền ra thuê thiết kế với thi công rồi thì cũng làm nốt những phần décor, bàn ghế cho tương xứng với công trình. Bếp đẹp mà bàn ghế ăn xấu thì cứ như ăn vận sang trọng nhưng xách túi tập gym đi dự sự kiện vậy. Đã làm thì làm tới nơi tới chốn. đến lúc chụp hình lại tự dưng bộ bàn ghế trội hẳn lên so với tủ bếp nhìn lại cụt hứng mà mua mới thì lại tiếc tiền. Dù bạn đồng tình hay không nhưng sự thật là người có gu thì luôn ít hơn số người không có gu. Thừa gì đâu khi hỏi mấy sự góp ý từ kts.
- Sau khi hoàn thiện các lắp đặt rồi thì nên đợi vài ngày để cho bụi từ trên tường lắng xuống, đừng dọn dẹp đồ bếp hoặc lau rửa vội vì bụi sẽ còn rơi xuống sẽ dính vô rồi rửa dọn lại từ đầu. Bạn cũng có thể tính ngày dọn dẹp vào thời gian phát sinh. Khi mình xây căn bếp này mình phải đợi 7 ngày bụi mới bay hết + lau và hút bụi liên tục rồi mới vào ở.
Công trình xong xuôi thì tha hồ chụp ảnh khoe lên Nghiện Nhà với Yêu Bếp. Sắp xếp 1 tý để đồ đạc trông gọn hơn trước khi tác nghiệp là ok. Hình này mình chụp cho đẹp thôi chứ thực tế mình nhiều bát đĩa hơn đây 7 lần.
Chụp hình before - after
Nội thất/ ĐỒ GIA DỤNG
MUJI
IKEA
JYSK
BAYA
TUPPERWARE
TAOBAO
LITLE KITCHEN
DONG GIA
thiết bị bếp
Electrolux
Kitchenaid
Panasonic
Lock& Lock
Carysil
Sun House
Philip