Mách bạn : 4 loại Background mà bất kì Foodstylist nào cũng phải có.
Nếu gõ hashtag #foodstyling trên instagram bạn sẽ thấy cả triệu bức ảnh đồ ăn đẹp nhảy múa trên màn hình điện thoại rồi bạn tự hỏi:
Câu hỏi đặt ra là: "Sao mình cũng bắt chước chụp cái bánh ấy mà
nhìn tổng thể bức ảnh không thể hấp dẫn bằng?
Trong một bức ảnh chụp sắp đặt đồ ăn, đồ ăn chính sẽ chiếm 30% đến 50% diện tích hình, diện tích background chiếm 30% còn 20% dành cho các props decor trang trí còn lại. Đồ ăn như nhân vật nữ chính còn background là nhân vật nữ phụ. Mà nữ phụ thì cần phải xuất hiện đắt giá để làm nổi bật được nữ chính. Một món ăn đẹp có thể hoàn toàn chìm nghỉm trên một background cùng màu hoặc cũng có thể toả sáng với một background màu sắc tương phản. Vậy lựa chọn thế nào để đồ ăn lên hình đẹp nhất? Hãy lắng nghe lời khuyên từ props stylist dưới đây.
1. Sắc trắng
Đây là background dễ tìm, dễ sử dụng nhất và cũng là sự lựa chọn đầu tiên của những người mới bắt đầu với food styling. Bản thân màu trắng đã rất tối giản nên dễ làm nổi bật đồ ăn nhất, tuy nhiên lựa chọn chất liệu trắng nào phù hợp với đồ ăn cần chụp là sự lựa chọn khác biệt của mỗi stylist. Background màu trắng hay được dùng nhất là vải trắng, formex, marble.
Lúc mới tập mình rất hay sử dụng background trắng được làm từ formex (loại dùng cho mô hình của các trường kiến trúc) vì lý do chúng nhẹ, dễ sử dụng, tản sáng tốt và đặc biệt là không thấm nước.Hoặc một tấm vải trắng làm background sẽ là ý tưởng không tồi cho bức ảnh đồ ăn của bạn vì tính chất mềm mại, rẻ tiền và gấp gọn mang đi đâu cũng tiện.
Những món ăn phù hợp nhất với background trắng là đồ ngọt, desert, đồ uống, đồ ăn healthy. Ngoài việc lựa chọn màu sắc thì texture của background cũng là yếu tố đáng được quan tâm.
2. Sắc đen
Màu đen đối lập với màu trắng ở chỗ trắng thì phản sáng, tối thì hút sáng. Đồ ăn trên nền đen tạo cảm giác sâu hơn nhưng để màu đen không bị bệt và quá đặc thì cần ánh sáng phù hợp để sử dụng. Hoặc có thể xử lý texture nhám để bớt cảm giác nặng nề.
Màu đen có tính chất hút sáng nên ảnh không bao giờ lo bị cháy giống như nền trắng. Nếu chụp cháo hành màu trắng, súp trắng, nguyên liệu trắng của bột mỳ, đường, muối không thể nổi trên background trắng thì bạn có thể thử background màu đen.
Background màu đen cũng rất phù hợp với đồ ăn Việt Nam hay các món Á nên đừng ngại chụp đồ Việt Nam bạn nhé, chỉ cần khéo léo dùng background tốt 1 tý thôi là đồ ăn Việt có một diện mạo mới rồi.
3. Sắc gỗ
Gỗ là sự kết hợp kinh điển khi chụp ảnh với đồ ăn. Các food stylist hoặc prop stylist luôn có sẵn cho mình một vài back gỗ tự nhiên. Màu gỗ tông nóng tạo cảm giác ấm áp, thân thiện, nó cũng tạo cảm giác ngon miệng hơn đối với thị giác. Màu gỗ thường là các màu nâu, vàng lợt, nâu sáng, nâu sậm, mộc. Có thể sử dụng các loại gỗ để làm background như gỗ keo, gỗ tần bì, gỗ sồi... Các loại gỗ này rất dễ kiếm ở Việt Nam và giá cả cũng rẻ.
Nếu bức ảnh chụp miến cua tay cầm bên trên mà chụp cùng với background màu trắng chưa chắc đã ngon mắt bằng nền gỗ và không còn cảm giác nóng hổi nữa.
Những món ăn phù hợp nhất với background màu gỗ là đồ ăn mặn, món chính, đồ hầm, xào, kho...
Nếu tấm gỗ mà bạn kiếm được không đủ tự nhiên, chưa lên rõ vân hoặc màu sắc chưa hoàn hảo thì bạn có thể tự chế background tại nhà hoặc sơn màu theo ý muốn. Thi thoảng mình cũng làm mới background bằng cách sơn màu mới cho nó.
4. Sắc màu tương phản
Nếu muốn một bức ảnh ấn tượng thị giác tức thì hãy dùng backround tương phản mạnh với đồ ăn. Để tham khảo các dải màu tương phản các bạn có thể tìm kiếm trên color.adobe.com
Dùng background màu sắc, nước ảnh trông sẽ có chiều sâu hơn nhưng đây là loại khó sử dụng nhất vì bạn phải nắm rõ được quy luật tương phản của màu, độ đậm, nhạt của dải màu để nó không nổi bật quá so với đồ ăn cần chụp.
Món sườn trông nổi bật hẳn lên trên nền màu xanh dương vì xanh đỏ là 2 màu tương phản dễ gặp nhất trong cuộc sống hằng ngày, quy luật tương phản màu còn áp dụng rất nhiều cho branding, biển báo giao thông hoặc banner ngoài trời để tạo sự chú ý. Bạn có nhớ logo của Pepsi màu gì không? Logo của Domino Pizza nữa :)) đều dùng 2 màu tương phản chói lọi xanh - đỏ và đứng ở bất kỳ đâu thì nhìn 2 logo này vẫn nổi bần bật lên ý. Riêng mình thấy logo Pepsi rất đẹp.
Việc sử dụng background màu sắc cần khéo léo để bức ảnh không bị lố vì nhân vật chính vẫn là đồ ăn. Background màu sắc thường không có sẵn mà phải tạo một cách có chủ ý. Thông thường các prop stylist sẽ đảm nhận việc này thay food stylist nhưng ở thị trường Việt Nam hiện tại, food stylist sẽ kiêm luôn công việc của prop stylist. Việc chế tạo background đẹp cũng là một điểm cộng cho food stylist đó.
Mình là người rất thích chơi với màu sắc nên cũng hay sử dụng màu tương phản và chế tạo ra background mới như một thú vui, đặc biệt ở chỗ không phải cứ đem ra hàng đặt mua mà có được background ưng ý mà phải thử nghiệm nhiều chất liệu mới cho ra được background chất lượng.
4. Lưu ý khi chọn background
Không nên chọn các background có quá nhiều chi tiết hoặc texture gồ ghề, quá nhiều tông màu cùng lúc vì nó khiến bức ảnh trở nên nặng nề và rối rắm.
Đối với background màu sắc rực rỡ như xanh dương, đỏ, vàng cần tiết chế khoảng trống khi đặt đồ ăn trên nó và xử lý độ bắt sáng bằng việc tạo thêm texture cho bề mặt background.
Bài sau mình sẽ chia sẻ một số cách tạo background sáng tạo, các bạn hãy theo dõi nhé. Nếu bài viết này rất hữu ích với bạn thì đừng ngại chia sẻ để nhiều người cùng biết nhé. Thuỳ Dương cám ơn các bạn rất nhiều. ;)