Những lầm tưởng khi mới bắt đầu với food styling

 
Screenshot 2017-09-28 10.25.14.png

Nếu bạn là tín đồ instagram thì việc bạn chụp đồ ăn thế nào, chỉnh màu filter ra sao không quan trọng, miễn là bạn thích, nhưng nếu muốn bắt đầu công việc của một food stylist hoặc food photographer thì bạn hãy cân nhắc một số lầm tưởng mà tôi nhắc đến dưới đây. Bản thân tôi khi mới bắt đầu với food styling cũng đã mắc phải và tôi thẳng thắn thừa nhận với các bạn để chúng ta hiểu rằng kiến thức cực kỳ rộng lớn, nếu cứ đắm chìm trong những ngộ nhận của bản thân thì không thể nào đột phá được. Vậy nên thay vì cùng nhau giấu dốt hãy rút kinh nghiệm và không ngừng học hỏi cái mới. Sau đây tôi xin phép đưa ảnh thời kỳ nhập môn của mình ra làm chuột bạch.

1. Flatlay là food styling?

Góc máy khoảng 60 độ, gần topdown.Có thể lựa chọn mới mẻ hơn bằng cách này. Phù hợp với đối tượng trẻ yêu thích ảnh flatlay.

Góc máy khoảng 60 độ, gần topdown.Có thể lựa chọn mới mẻ hơn bằng cách này. Phù hợp với đối tượng trẻ yêu thích ảnh flatlay.

Còn muốn ngon thì phải chụp cận như thế này cơ. Rõ nét sản phẩm, màu sắc bắt mắt.

Còn muốn ngon thì phải chụp cận như thế này cơ. Rõ nét sản phẩm, màu sắc bắt mắt.

Food styling có nhiều hơn thế. Topshoot không phải là góc máy ưu tiên trong nhiếp ảnh ẩm thực. Chụp ảnh checkin khác với chụp ảnh đồ ăn thương mại, tất nhiên sẽ có những trường hợp food stylist nhận được yêu cầu từ khách hàng muốn chụp những ảnh dạng topshoot chạy promotion hướng tới các đối tượng teen hoặc dân văn phòng.

Góc máy này lấy được toàn cảnh nhiều đồ ăn nhưng lại giảm bớt tính nổi bật texture , đồ ăn cảm giác bẹt hơn và nó dễ dàng che dấu một vài khuyết điểm của food photographer.

Người mới bắt đầu thường không chú ý đến texture tức bề mặt, chất liệu tạo nên sản phẩm.

2. Pinterest là tất cả?

Nguồn ảnh: Pinterest

Nguồn ảnh: Pinterest

Ngoài google hình ảnh thì người mới tìm hiểu về food styling thường tìm đến pinterest để tham khảo. Rất nhiều hình mẫu để theo đuổi nhưng ít có người thực sự biết thể loại nào mới phù hợp với food styling thịnh hành trên thế giới. Những bức ảnh bạn nhìn thấy rất có thể đã được chụp trước đó hàng thập kỷ. Vậy thì ảnh có lỗi mốt như thời trang không? Câu trả lời của tôi là: Tất cả những trường phái nghệ thuật, ngành nghề liên quan đến làm đẹp thì đều có xu hướng tuỳ theo thời điểm nhất định. Nếu thời trang xoay vòng thì bạn phải là người nhạy bén tung ra bộ sưu tập đúng thời điểm hoặc có những cải tiến, cộng hưởng thêm các xu hướng mới vào trong đó để nó có thể gọi là sáng tạo. Nhưng không phải ai cũng là thiên tài, vậy nên hãy làm đúng trước khi làm đẹp.

Có những style mà khi chụp đồ Âu đẹp nhưng áp dụng với đồ Việt lại không ăn khớp. Một số người sẽ phụ thuộc vào pinterest và khi chụp ra ảnh thì cái nào cũng na ná cái nào đó đã từng nhìn thấy. Tất nhiên bạn cần thời gian để phát triển nhưng hãy thay đổi cách tư duy và thử nghiệm những thứ mới sẽ hay hơn là an toàn như những người khác.

3. Chụp tối (dark) mới đẹp!

Ảnh 1 tối (cũng ảnh hưởng từ Pinterest nhiều lắm)

Ảnh 1 tối (cũng ảnh hưởng từ Pinterest nhiều lắm)

Ảnh 2 sáng

Ảnh 2 sáng

Mỗi một phong cách chụp food đều có những ưu điểm và một lượng người yêu thích riêng. Tôi không nói chụp dark hoàn toàn xấu hay chụp sáng hoàn toàn đẹp bởi có những concept cái này phù hợp cái kia thì không nhưng đối với đồ ăn thì sao?

Ảnh tối tạo cảm giác sâu và có vẻ tình cảm hơn. Nhưng ảnh tối cũng cần độ căng của đồ ăn, sự nổi bật của chất liệu sản phẩm chứ không phải cứ lim dim không nhìn ra đâu là khăn trải bàn, đâu là bánh mỳ được.

Ảnh sáng có lợi thế là sáng mặt ăn tiền nhưng điều chỉnh cho ánh sáng không bị cháy hoặc nhìn quá lạnh lẽo, trống trơn thì phải hiểu về ánh sáng.

Cả 2 bức ảnh chụp nước trên nếu xét về ánh sáng thì không chênh nhau quá nhiều về kỹ thuật. Ảnh 1 thì bày biện có vẻ hợp mắt, bố cục chặt nhưng chủ đề của buổi chụp là mùa hè sôi động, người xem cần có cản giác tươi mát, giải khát, sảng khoái và quan trọng là muốn uống thì ảnh 2 mới đạt được mục đích. Ai mà không thích một cốc sữa gạo dưa hấu màu sắc mơn mởn thế kia chứ, rõ ràng nhìn nó dễ thương hơn hẳn.

Vậy là ảnh sáng hay tối cũng tuỳ thuộc vào chủ đề
thì mới ăn điểm

Đôi khi người ta hay nhầm lẫn việc chụp dark thì tất cả đều phải tối: ánh sáng yếu, props tối, bẹt texture, chỉnh ảnh cho đồ ăn xỉn màu khiến bức ảnh đen đến nỗi đặc quánh lại, cảm giác hết sức nặng nề. Một số bạn sử dụng cách chụp này cho cả bữa sáng, thậm chí chụp các đồ uống như mojito, cocktail... đòi hỏi sự tươi mát, bùng nổ thì các bạn lại dùng ánh sáng yếu cùng với một vài phụ kiện chả liên quan như cuốn khăn nhàu nhĩ bên dưới ly martini điệu bộ sang chảnh cùng vảy nước đá lung tung xung quanh giống như kết quả của một cuộc hôn nhân tủi hờn giữa khăn và ly vậy. Lúc đó mục đích của bạn và đặc tính của sản phẩm đang đòi ly dị với nhau.

Nếu chụp dark hãy khéo léo sử dụng những props có tính chất xốp, mềm để nhấn nhá kéo lại ánh sáng vốn dĩ yếu hoặc có thể sử dụng ánh sáng le lói của song sắt cửa sổ tạo cảm giác hấp dẫn cho không gian của bức ảnh. Đừng nghĩ chụp tối thì đồ ăn, đồ uống không ngon được nhé. Sự tương phản sẽ mang lại cân bằng, nếu bức ảnh là một chiếc bánh mỳ u buồn cùng với trái dâu tây bên cạnh không thể héo hơn thì tôi không bao giờ muốn mua sản phẩm của bạn. Cuối cùng thì tôi thường chụp ảnh sáng nhiều hơn vì có sáng thì đồ ăn mới rõ nét, căng mượt nhất bởi mục đích cuối cùng của food stylist là giúp cho đồ ăn ngon phát thèm cơ mà. Ảnh tối tôi vẫn sẽ chụp nhưng nó phải thực sự hợp với concept hoặc ít ra nó tối ở mức chấp nhận được.

4. Bày ra cho chặt bố cục!

Có bạn sau khi chụp ảnh xong đưa cho tôi nhận xét thì màn hình hiện ra là ở giữa có mỳ Ý, hai bên có tương cà, hạt tiêu và cà chua bi đang chạy khắp nơi từ hướng Đông sang hướng Tây. Tôi chưa nói đến việc đẹp hay xấu vì sẽ có nhiều người bảo vệ quan điểm của mình là "Tôi thích".

Cái sự "Thích" đó phải dựa trên tính logic và tính cân bằng. Rõ ràng chụp nguyên liệu thì bạn có thể đặt những thứ ở trạng thái sống cạnh nhau và vì nhân vật chính là nguyên liệu rồi nên một vài trái cà chua chạy lung tung không phải vấn đề quá lớn nhưng bạn đang chụp đĩa mỳ Ý thì nhân vật chính phải là mỳ Ý chứ không thể bắt người nhìn không biết bạn đang bán mỳ hay bán cà chua được. Mỳ Ý chụp với cà chua là motip kinh điển rồi nhưng hãy bày cà chua minh hoạ vừa phải và góc nào hợp lý để người xem không cảm giác rối rắm, mệt mỏi.

Vấn đề này bạn phải xác định rõ từ đầu rằng bạn chụp cái gì? Nên focus vào đâu và luôn luôn hỏi TẠI SAO??? Tại sao lại chọn những thứ không liên quan để đặt vào khung hình nếu nó chẳng mang lại mục đích gì?

Vì để cho nó chặt bố cục thôi mà!

Nhưng xin hãy làm chúng trông có vẻ liên quan đến nhau được không?

Ảnh 1 nhìn hơi mệt nhỉ :)) Nhiều tách chén, bát đĩa quá

Ảnh 1 nhìn hơi mệt nhỉ :)) Nhiều tách chén, bát đĩa quá

Ảnh 2 gọn hẳn mà mọi thứ đều logic, không thừa thãi

Ảnh 2 gọn hẳn mà mọi thứ đều logic, không thừa thãi

5. Chỉnh màu càng ảo càng đẹp

Thời điểm cách đây 1-2 năm là thời kỳ màu đồ ăn tối tối, nâu nâu hoặc filter với những contrast xanh đỏ thật mạnh, còn bây giờ cũng đỡ rồi. Định nghĩa "ảo" ở đây được hiểu theo nghĩa càng khác biệt càng tốt (chỉ một vài khác biệt ở mức chấp nhận được). Nguyên nhân một lần nữa lại là ảnh hưởng từ Pinterest. Tại sao chúng ta lại thần thánh Pinterest đến thế?

Vì Tây nó chụp thế thì mình cũng chụp thế!

Bạn có chắc tất cả cái gì Tây cũng đẹp hết không?

Hãy phân tích một bức ảnh thật kỹ. Việc tăng contrast và biến đổi saturation là hoàn toàn khác nhau. Một mớ rau cải được chỉnh cho xanh và non hơn sẽ hợp lý vì nó dựa trên màu gốc của sản phẩm là xanh lá cây còn sẽ bất hợp lý nếu chỉnh thành xanh ám tím hoặc mất luôn màu cho nó tông xoẹt tông với những thứ còn lại.

Ảnh 1

Ảnh 1

Ảnh 2

Ảnh 2

Ảnh 1 Tuy cà rốt màu vẫn tươi nhưng rõ ràng clarity đã kéo quá đà khiến cho áo màu trắng biến thành ghi, texture cảm giác cũ kỹ, thô ráp. Soi kỹ hơn thì ảnh 1, tay người mẫu giống vừa đào củ ngoài vườn về vẫn còn dính đất (thực ra tay sạch nhưng do chỉnh ảnh nên lốm đốm đen như vậy). Ảnh 2 màu trắng của áo mới là màu thực và nhìn có sức sống hơn hẳn. Chủ đề của cả concept có liên quan đến sự tươi trẻ, mùa xuân, màu nước nên cách chỉnh màu như ảnh 2 sẽ ăn điểm và liên quan hơn.

Thế nào là màu đẹp? Màu đồ ăn đẹp dựa trên màu thực của đồ ăn ở trạng thái tốt nhất rồi cường điệu hoá cái sự tốt ấy lên ở mức hợp lý không lố bịch như: Hoa quả phải còn tươi như vừa mới hái, cuống và lá không bị héo, thịt bò thì cần đỏ, rau phải xanh, cá không ươn... 

Mới đây tôi nhìn thấy một thương hiệu đồ ăn mới xuất hiện với dòng title "Thực phẩm organic sạch, an toàn" nhưng màu ảnh lại chỉnh lệch đến nỗi rau cỏ, thịt thà như vừa nhuộm một đống phẩm màu xanh đỏ. Khách hàng tiềm năng của bạn có thể dừng lại 1, 2 giây để nhìn do màu sắc có vẻ khác biệt nhưng rồi sẽ lướt qua và quên nó đi vì bạn không gây được ấn tượng tốt về 1 sản phẩm gắn mác organic chưa được kiểm chứng. Nếu muốn tạo sự tin cậy, an toàn thực sự bạn không thể filer xanh lè cho tất cả mọi thứ được.

Khách hàng book bạn chụp ảnh phần cũng vì yêu thích style của bạn. Nếu những người đi trước định hướng không đúng sẽ tạo ra cái nhìn lệch lạc về nghề food stylist và khiến cho mọi người nghĩ rằng làm food stylist thật dễ dàng vì cứ bày đồ ra là kiếm tiền được rồi. Vậy nên để có sự đánh giá công bằng cho nghề hãy là những người có thẩm mỹ tốt. Tôi xin mượn lời anh Yu của Bếp thực dưỡng :"Xếp có ý thức, chụp có trách nhiệm".

Số sau mình sẽ nói thêm về sự khác nhau giữa advertising food styling và editorial food styling. Các bạn nhớ theo dõi nhé! Bài viết này rất mong các bạn có nhiều comment bên dưới vì nhiều khi viết trên fb mình không theo dõi được các bạn đang cần gì hay thắc mắc chỗ nào. Cám ơn các bạn đã đọc bài, chúc tuần mới vui vẻ.