Học gì để trở thành food stylist?

 
12891599_979296875485480_6558598395034590249_o.jpg

Có rất nhiều bạn inbox cho mình để hỏi làm thế nào để trở thành một food stylist hay học gì để có thể trở thành một food stylist giỏi? Do thời gian làm việc dày đặc nên mình không thể trả lời từng bạn một hoặc phân tích rõ để các bạn hiểu sâu sát hơn nên nhân đây mình cũng chia sẻ luôn con đường trở thành food stylist của mình, các bạn có thể tham khảo.

Một food stylist cần có 2 yếu tố cơ bản làm nghề:

  • Thứ 1 là khả năng định hướng thẩm mỹ tốt
  • Thứ 2 biết cách nấu, xử lí nguyên liệu 

Để trở thành food stylist chuyên nghiệp cần thêm 3 yếu tố nữa

  • Thứ 3 thái độ chăm chỉ, cầu tiến chịu khó học hỏi và phát triển bản thân.
  • Thứ 4 có trách nhiệm và khả năng làm việc theo nhóm.
  • Thứ 5 chủ động, dám lăn xả và có sức khoẻ tốt, chịu được áp lực.

Bắt đầu với 2 yếu tố cần:

1. Định hướng thẩm mỹ tốt.

10644333_979296902152144_486576164344284789_o.jpg

Nếu tự cảm thấy mình có khiếu thẩm mỹ rồi thì chúc mừng bạn còn nếu đang ở một lĩnh vực khác hay đang còn học trung học, trẻ tuổi, già tuổi chưa có khái niệm gì về food styling thì bắt đầu học gì nhỉ?

Các food stylist, photographer mà mình biết thường có background là graphic designer. Không hẹn mà gặp nha. Theo mình thì học đồ họa cho người ta cái nền cơ bản về art, đồ họa là mỹ thuật hiện đại giúp cập nhật nhanh hơn, thẩm mỹ hợp xu thế hơn so với cách học mỹ thuật truyền thống. Khi học đồ họa bạn sẽ biết thêm một số kiến thức về chụp hình, các phần mềm chỉnh sửa ảnh Photoshop, Lightroom, thiết kế như Illustractor, In Design... sẽ rất hữu ích cho công việc food stylist sau này. Mình cũng từng là graphic designer nên có kiến thức cơ bản về thiết kế, bố cục, màu sắc cảm nhận khá tốt và dễ dàng có định hướng thẩm mỹ hơn. Vì nếu thẩm mỹ bản thân không tốt thì sao định hướng cho người khác được đúng không? 

Một số trường đại học dạy đồ họa như: ĐH Mỹ thuật công nghiệp, ĐH Mở, ĐH Văn Lang, ĐH Kiến trúc thi đầu vào khó hơn và học mất 4 - 5 năm để ra trường.

Bạn cũng có thể đăng ký học đồ họa tại các trường như Arena Multimedia, FPT Arena, Aptech môi trường khá là vui và gần như chả phải thi thố gì cứ đăng ký là được đi học, nhanh thì bạn chỉ cần học 1 kỳ 6 tháng xong đồ họa rồi còn muốn lâu thì học hết 1 năm để biết thêm về web hoặc 2 năm để học cả film và 3D. Mình học 1 năm nhưng mình nghĩ chỉ cần 6 tháng là cũng hiểu cơ bản về đồ họa rồi, sau đó tự trau dồi thêm.

Ngoài việc đi học thì còn phải tự học nha. Để ý về đồ ăn đẹp thật nhiều, xem các TV Show về food, cooking online, magazine của nước ngoài về đồ ăn, nghiên cứu phân tích ảnh của họ xem tại sao đẹp và đưa ra định hướng về cái đẹp cho mình. Bất kỳ món ăn đẹp nào mà thấy đẹp trên mxh hãy lưu ngay về điện thoại rảnh bỏ ra coi nhé.

2. Biết nấu ăn là một lợi thế

Ảnh từ ngày xửa ngày xưa, watermark hơi to, thông cảm nhé =)))

Ảnh từ ngày xửa ngày xưa, watermark hơi to, thông cảm nhé =)))

 

Nấu ăn giỏi nữa là lợi thế cực lớn nha. Làm việc liên quan tới ẩm thực mà. Cũng có rất nhiều food stylist trên thế giới trước khi bắt đầu làm stylist thì đã là chef. Bạn cũng có thể giỏi nấu trước khi giỏi làm đẹp hoặc giỏi làm đẹp sau đó học nấu cũng không sao. Mỗi một lựa chọn là 1 lợi thế và quan trọng là bạn tiến bộ thế nào để sử dụng cả 2 lợi thế cùng lúc thôi. Có người chỉ ở nhà nấu cơm cũng nấu giỏi, có người thì học trường lớp đàng hoàng, cũng có người có điều kiện thì đi tu nghiệp nước ngoài. Có thể thi vào trường du lịch, các ngành liên quan khách sạn nhà hàng hay học ở các trung tâm dậy nấu ăn. Mình không có đi học lớp nấu ăn nên cũng không comment là học chỗ nào nhưng mình nghĩ nên học ở trung tâm. Lý do là "Cho nó nhanh" =)) vì bỏ qua một cơ số các môn không muốn học và cũng chả để làm gì chỉ tập trung vào chuyên môn thôi sau đó ra trường sớm đi làm sớm có kinh nghiệm sớm.

Nấu ăn giỏi nữa là lợi thế cực lớn

Pro hơn thì bạn cày youtube. Học miễn phí, không tốn tiền đi lại. Tự học đủ các nền ẩm thực trên thế giới nhưng có sai ở đâu thì cũng chưa chắc biết đường mà sửa nên là thôi có tiền thì cứ đầu tư đi các bạn ạ. Mình thuộc tuýp rất thích đầu tư mỗi tội không có tiền =))) nên ngày đó mình cũng mò mẫm lung tung, mua sách này kia rồi đi làm nhiều nên vỡ ra nhiều cái. Túm cái váy lại là đầu tư 1 khoản tiền để học nấu, mua sách, mua thiết bị bếp để luyện tập đi, sắm quần áo ít thôi hehe.

Nếu cảm thấy thế giới kiến thức thật rộng lớn và bao la chả biết bắt đầu từ đâu thì cứ bình tĩnh chuyện không tới mức không thể học nổi đâu. Mình cũng từng cảm thấy như vậy thôi. Hãy bắt đầu từ những món ăn đơn giản nhất, cố gắng làm đẹp nó rồi tăng mức độc khó lên với các món cầu kỳ hơn, xem nhiều, đọc nghe nhiều rồi sẽ dần hình thành cho mình style riêng thôi.

Ngày xưa Dương nấu có giỏi không? Dương không biết nấu cái gì nhé! Nhưng cuối cùng Dương cũng làm được, nên các bạn tự tin lên nha!

Có 2 yếu tố làm đẹp và nấu giỏi rồi thì tiếp theo cần 3 yếu tố nữa để làm food stylist chuyên nghiệp nha.

 

 
Ba cái cục đen đen là gì vậy chế? Thì chiều khách đó mà!

Ba cái cục đen đen là gì vậy chế? Thì chiều khách đó mà!

3. Chăm chỉ, cầu tiến.

Nói thật với các bạn làm nghề này không nhàn hạ đâu, thu nhập cao thì có bở vì đã vất vả rồi mà thu nhập thấp nữa thì ai làm nhỉ ahihi? mà đòi hỏi quá trời kiến thức nữa.

Bây giờ đang nấu đồ Việt đi, mai chụp đồ Thái ngày kia chụp đồ Nhật rồi sang tuần chụp đồ Ý, Pháp, Tây Ban Nha thì lại phải research xem ẩm thực nó như thế nào để hiểu mà chụp. Kiến thức ẩm thực thì nó rộng lớn, đi kèm với nó là văn hóa, lịch sử tính chất dân tộc, vùng miền... ôi không học thì không biết đường mà làm huhu.. Hồi mình mới làm nhìn kiến thức mà muốn banh não. Nào thì nấu món này như nào, xử lý nguyên liệu kia ra sao, ăn thế nào, làm sao cho đẹp...bla..bla..

Có một cách học rất hay là hãy xem những bộ phim về đồ ăn của các nước trên thế giới. Vì ở phim người ta chắt lọc những gì tinh túy, đẹp, văn hóa nhất đó. Nhớ để ý cắt cảnh như thế nào, lighting ra làm sao, màu sắc người ta sử dụng trong phim nữa. Nhỡ sau này có đi quay hay có làm việc với art mà bị chỉ đạo, bị ăn hành thì còn có miếng mà trả nhé, hahaha nói giỡn thôi chứ mình đi làm hòa thuận lắm a nghen chứ cãi nhau chi không làm việc nhóm được là hỏng đó. Ngoài ra có thể đi ăn, đi du lịch để tìm hiểu văn hoá, ẩm thực. Điều này rất thực tế vì khi bạn làm 1 food stylist bạn sẽ có những dự án thương mại, bạn cần hiểu xu hướng ẩm thực, nên biết người ta muốn ăn cái gì, thích nhìn thấy đồ ăn như thế nào. Đi ăn ở nhà hàng là cách nhanh để học, đồ ăn nhà hàng cho bạn cảm nhận về vị giác, thính giác, khứu giác và rất quan trọng “thị giác”. Follow các nhà hàng hay ho trên instagram, những bức hình nào được nhiều like hay tích cực comment để phân tích tại sao nó nhiều like hay khán giả comment gì bên dưới. Vậy là dùng mạng xã hội để giúp ích cho công việc nha không chỉ lên đó chỉ chơi thôi đâu. Có điều kiện nên đi du lịch nhiều vào, vừa đi vừa nghiên cứu, ăn rồi ngắm rồi nghĩ… lúc nào cũng phải học hết.

Lấp đầy thời gian của bạn bằng những việc liên quan tới đồ ăn

Lấp đầy thời gian của bạn bằng những việc liên quan tới đồ ăn. Xem TV cũng xem show nấu ăn, đọc sách chọn sách nấu ăn, online cũng đọc tin liên quan đồ ăn, lặp lại những công việc này hằng ngày và bỗng dựng một ngày nhận ra mình có phản xạ nhạy bén với đồ ăn.

Hằng ngày bạn ăn gì? Uống gì? Đều phải tư duy về nó xem làm sao để cho đồ ăn, đồ uống đó đẹp hơn. Nếu đang ăn đậu phụ sốt cà chua thì nhớ ngồi xếp đậu phụ trên đĩa sao cho đẹp, ăn tôm rang, ăn thịt kho cũng phải nghĩ xem làm thế nào cho cái đĩa hấp dẫn hơn. Styling mọi lúc mọi nơi nha.

 Đọc tiếp phần dưới để hiểu tại sao cần biết làm việc nhóm nào.

4. Có trách nhiệm và khả năng làm việc theo nhóm.

Food stylist phải là người cực kỳ có trách nhiệm bạn biết vì sao không? 

Khi bạn tự styling ở nhà, tự chụp up ảnh lên fb nhiều like không có nghĩa bạn đi làm sẽ trở thành food stylist chuyên nghiệp. Một trong những nguyên nhân khiến bạn đứt gánh giữa đường hoặc không thể phát triển hơn là do không biết cách làm việc nhóm. Food stylist cần đi cùng 1 food photographer để làm việc hiệu quả nhất, đừng tự ôm vào mình. Hãy tập giao việc cho nhau, tin tưởng chuyên môn của nhau. Giống như một bộ phim không chỉ có đạo diễn, biên tập, diễn viên tài năng mà còn có tổ quay film, tổ đạo cụ, tổ hậu cần, pr marketing, diễn viên quần chúng... ai cũng có vị trí của mình hết. Làm việc hãy tôn trọng nhau, biết nâng đỡ nhau chứ đừng có công của tao hết là thôi xong. 

DSCF4294.JPG
Nhóm gần nhất là food photographer ngồi ngay cạnh kìa.

Nhóm gần nhất là food photographer ngồi ngay cạnh kìa.

Khi làm ở môi trường thương mại sẽ có những cái bạn thích làm nhưng không được làm, bạn thấy xấu nhưng bạn vẫn phải làm bởi vì: Có những người có nhiều quyền hạn hơn để hạn chế bạn, có những sản phẩm bạn không được làm đẹp hơn yêu cầu vì target người ta chỉ nhắm vào mức trung bình thôi. Hãy tập làm quen với điều đó vì đấy là cách thế giới này vận hành. Đôi khi đẹp quá chưa hẳn tốt nhé, vì phải PHÙ HỢP nữa nên bạn suy nghĩ thoáng ra chút nha. Ví dụ mình thấy BigC logo màu quê 1 cục, branding cũng loạn xì ngầu lên nhưng taget của họ là khách hàng thu nhập thấp, đại chúng, giá rẻ thì nhìn phải rẻ tý người ta mới dám vào chứ. Ai cũng sang hết thì những người ít tiền đâu có chỗ để mua sắm. Yếu tố phù hợp rất quan trọng đó nên chú ý cân chỉnh đừng tự làm khó mình, làm khó khách hàng. Đừng ức chế vì không được làm đẹp, làm sang theo ý mình mà hãy nghĩ đến định hướng của sản phẩm. Đã nhận làm rồi thì làm cho tới, không đem con bỏ chợ hay tìm lý do để đổ lỗi, vì người này vì người kia...

Lời khuyên chân thành nè: Bình tĩnh - Tự tin - Không cay cú :)

Muốn trở thành chuyên nghiệp, hãy khiến người khác muốn làm việc với bạn, muốn giúp đỡ bạn và gắn bó với bạn. Để làm được điều đó bạn cần phải có trách nhiệm với mọi thứ mình làm. Suy cho cùng, chúng ta đều chung nhau tạo ra sản phẩm nên đừng vì cái tôi của bất kỳ ai mà bỏ rơi sản phẩm nhé. Dù hơi mất thời gian của nhau một tý nhưng nghĩ thấu đáo thì, không phải ai cũng art hay hiểu vấn đề được như bạn. Bởi vậy bạn mới làm food stylist chứ, ai cũng như bạn thì bạn làm gì có đất diễn đúng không? Nên là bình tĩnh, đừng giận dỗi ai nhé, hãy để thời gian giải quyết vấn đề nghe – nhìn - hiểu.

5. Chủ động lăn xả, có sức khoẻ tốt, độ lì cao.

Đi shoot quên mang bàn là đành có gì xài nấy vậy :))

Đi shoot quên mang bàn là đành có gì xài nấy vậy :))

Dám lăn xả vì sao? Nghề này vất vả lắm, nấu nướng, sắp đặt, chế prop, thức khuya dậy sớm gì cũng phải làm. Vô nghề rồi mới biết cực thế nào chứ nghe kể chắc k biết sợ đâu. Hồi mình mới bắt đầu với food thấy cũng nhiều bạn hừng hực khí thế đam mê lắm vì tưởng chỉ có ngồi xếp xếp mấy cái đĩa cho bố cục đẹp là kiếm được tiền rồi. Nhưng rồi sau 2 năm chả mấy ai trụ lại được vì thị trường đòi hỏi cao, không chịu vận động sẽ thụt lùi và không đủ điều kiện đáp ứng cho khách hàng. Food stylist thu nhập vài ngàn đô thật nhưng đánh đổi thời gian, sức khoẻ. Cái gì cũng có cái giá của nó, nhưng nếu đáp ứng được thì thị trường rất chào đón vì đang thiếu food stylist mà chứ photo thì nhiều.

Dạo mình đi quay, có yêu cầu từ đạo diễn là phải pha cốc nước thật đẹp như cốc nước giả. Trong thời gian ngắn ngủi chừng 5 phút nghĩ ra công thức mới để talent uống được cái cốc đó, nguyên liệu thì gần hết rồi cuống hết cả lên. Thời gian mỗi giờ trôi qua là tiền studio tiền thiết bị overtime cả ngàn đô bay mất bông dưng trách nhiệm đè nặng trên vai, mình chậm 1 nhịp là cả đoàn làm phim mấy chục người ngồi chờ có sản phẩm để quay. Hết người này hối rồi người khác ra hối, áp lực lắm.

Chủ động là khi cảm thấy tình huống xấu đi thì góp ý nhau để chỉnh sửa kịp thời. Tiết kiệm thời gian và tăng hiệu suất công việc lên. Cái gì chưa rõ ràng họp hoặc hội ý ngay đừng để có hậu quả rồi mới đi hót phốt.

Nhiều khi đi quay lịch dày đặc quay 1 -2 ngày mới xong ăn ngủ tại trường quay rồi lăn lê bò toài các kiểu (chuyện xưa như diễm, từ đạo diễn tới diễn viên cũng vậy à). Chịu được thì có portfolio không thì sẽ loanh quanh ở những chỗ an toàn. Ăn ngủ không có điều độ nên khả năng cao mắc bệnh về đường ruột, dạ dày biểu tình, rồi phải tự chăm sóc chuyện ăn uống kiêm khem cho bản thân mà giữ sức khoẻ, không ai thương mình bằng chính mình đâu. Tuy nhiên có thể đi quay ít thôi k có ai ép cơ mà food stylist đi quay đang thiếu nên là sẽ bị đồng tiền vẫy gọi haha.

Chuyện stress là thường xuyên vì đi làm chịu nhiều chi phối từ client với agency, production house. Food stylist cần biết chiều khách nhưng phải có bản lĩnh giữa những cơn bão khen chê, biết thuyết phục nữa không là đứng giữa đường người này kêu làm cái này người kia kêu làm cái khác rồi sản phẩm thành râu ông nọ cắm cằm bà kia tùm lum tùm la hết. 

Ơ thế bạn Dương làm thế nào nhỉ? Bạn Dương luôn tìm cách khai thác thông tin từ khách hàng. Khách muốn gì? Sản phẩm target chỗ nào, đang thiếu gì, cần chú trọng gì và không được phép làm gì? Câu hỏi quan trọng nhất là TẠI SAO?

Bạn muốn người ta nghe mình thì phải có lý do thuyết phục. Bây giờ khách nói tôi bỏ tiền ra tôi phải có cái mình muốn. Rồi giờ trả lời đi, khách muốn gì nào? Nhiều khi khách còn chả biết khách muốn cái gì nữa ^^. Thế mà food stylist phải biết đấy. Hãy suy nghĩ kỹ trước khi đưa ra lời khuyên cho khách hàng, lời nói ra rồi thì phải chứng minh được mình đúng, phải biết bảo vệ quan điểm. Tất nhiên không phải bảo thủ mà là biết chung hoà ý kiến nhưng suy nghĩ thấu đáo từ đầu rồi hãy làm.

Ôi dài quá sợ nói nữa các bạn xoắn khỏi vô nghề. Mốt rảnh sẽ kể thêm ha, mình nói thiệt á không phải doạ đâu. Nếu thực sự muốn theo nghề phải xác định tinh thần từ đầu không thì mất công đầu tư tiền bạc, thời gian rồi gần tới mức chuyên nghiệp rồi mới hối hận biết vất vả thế thì thôi... Nhìn ngang ngõ dọc thấy bạn bè đã yên ổn ở các vị trí mà ngày xưa mình ao ước lại ngồi hát bài Ước gì...

Hôm sau kể khổ tiếp

Mình đã vào nghề được 2,5 năm rồi và vẫn đang tiếp tục cố gắng từng ngày để cống hiến nhiều hơn nữa. Mình sẽ rất vui nếu gặp nhiều đồng nghiệp làm food stylist hơn vì hiện tại cũng đang hơi bị ít người làm ở Việt Nam. Nếu bạn cũng là food stylist mà chúng ta chưa biết nhau thì hãy follow nhau và trò chuyện nè. Hẹn gặp ở blog sau sẽ chia sẻ ngày đầu tiên mình đi quay nha. ^^